Tổng hợp

Dân chủ là gì? Quyền dân chủ là gì? Các hình thức dân chủ là gì?

Dân chủ là gì ?

Xuất phát từ những năm kháng chiến chống giặc, nhân dân ta luôn là một lực lượng quân chiếm số lượng đa số và quan trọng, quân đội cũng từ nhân dân mà ra, do đó trong mọi thời kỳ Đảng và Nhà nước ta luôn lấy dân làm gốc trong mọi hoạt động. Mọi vấn đề đều phục vụ cho nhân dân và vì lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, “dân chủ” được xem là một nền chế độ mà nhà nước hướng đến. Chế độ dân chủ là chế độ chính trị, trong đó, toàn bộ quyền lực nhà nước và hoạt động của nhà nước đều sẽ do nhân dân làm chủ và giám sát trong mọi vấn đề. Vì đây là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Toàn bộ quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân thực hiện trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại diện, cụ thể là những đại biểu do nhân dân tin tưởng và bầu nên. Đây cũng chính là một phương thức thể hiện quyền lực của nhân dân.

Theo đó, dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do và quyền con người. Mọi vấn đề của đất nước đều lấy ý kiến của nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Dân chủ được dịch sang tiếng Anh như sau: Democracy

Tại một số quốc gia trên thế giới, dân chủ cũng được xem là một thể chế chính trị mà các quốc gia này hướng đến. Tuy nhiên, chế độ dân chủ không được thể hiện rõ ràng và chi tiết như tại nước ta. Từ những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nền dân chủ nước ta đã được thể hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước và cũng được xem là hình thức tổ chức chính trị của nhà nước.

Các nhà lãnh đạo, nhà chính trị đêu nêu cao tinh thần dân chủ trong mọi hoạt động, mọi vấn đề đời sống xã hội và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động sau này. Như vậy, từ lâu dân chủ đã là một phạm trù lịch sử, cũng như quyết định mọi hình thái ý thức xã hội, dân chủ do tồn tại xã hội quyết định, do phương thức sản xuất vật chất của xã hội quyết định.

Tại đây, tổ chức chính trị xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đảng, tự do và quyền con người. Và do đó, với ý nghĩa này, dân chủ sẽ tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của con người, là một trong những phương thức tồn tại của con người ngay cả khi Nhà nước đã biến mất.

Chính vì vậy, việc củng cố và xây dựng một nền dân chủ có một vai trò rất quan trọng đối với một quốc gia lấy dân chủ làm thể chế chính trị. Thực tế có thể thấy nếu thiếu sự ổn định và không được phát triển đúng đắn theo những chính sách, mục đích đặt ra ban đầu cho đại đa số người dân thì việc thực hiện chính sách sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực.

Khái niệm về Dân chủ
Khái niệm về Dân chủ

Các hình thức dân chủ và mối quan hệ giữa chúng

Các hình thức dân chủ

Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện là hai hình thức biểu hiện của cùng thực thể dân chủ, cả hai hình thức này đều đóng một vai trò quan trọng bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ, là hai hình thức không thể thiếu được của việc quản lý, điều hành, kiểm soát và thực thi quyền lực của nhân dân. Việc vận dụng chúng hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình cụ thể.

Trên thế giới hiện nay có xuất hiện nhiều hình thức dân chủ cơ bản như:

Thứ nhất: Dân chủ trực tiếp

Dân chủ trực tiếp hay còn gọi là dân chủ thuần túy là một hình thức nhà nước dân chủ trong đó các công dân của một quốc gia trực tiếp bỏ phiếu thông qua luật pháp của quốc gia đó thay vì bầu ra các đại diện để chấp thuận các luật đó. Dân chủ trực tiếp hiện đại đặc trưng bởi ba trụ cột chính là:

– Quyền đề xướng luật lệ

– Trưng cầu dân ý bao gồm cả trưng cầu dân ý bắt buộc cho phép nhân dân bỏ phiếu phủ quyết sự ban hành pháp luật

– Bãi nhiệm bằng cách gửi kiến nghị hoặc trưng cầu dân ý cho phép nhân dân có quyền bãi nhiệm những người đã được bầu ra.

Thứ hai: Dân chủ đại diện

Dân chủ đại diện là một hình thức nhà nước dân chủ được các đại diện của người dân vận hành trên nguyên tắc thi hành chủ quyền nhân dân, “đại diện” ở đây có thể hiểu là những đại diện được bầu lên và đại diện cho ý chí của một nhóm người nào đó. Gần như tất cả các nền dân chủ phương Tây hiện đại là mang hình thức dân chủ đại diện.

Thứ ba: Dân chủ bán trực tiếp

Dân chủ bán trực tiếp là nền dân chủ kết hợp những yếu tố của cả hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

Bên cạnh các hình thức dân chủ cơ bản trên còn xuất hiện các biến thể của nền dân chủ như:

+ Quân chủ lập hiến:

Quân chủ lập hiến hay quân chủ đại nghị là một hình thức tổ chức nhà nước giữ nguyên vai trò của vua hay hay quốc vương từ thời phong kiến nhưng mọi quyền lực, mọi chi phối trong các hoạt động trong xã hội không còn tập trung trong tay vua hay nữ hoàng. Vua hay nữ hoàng chỉ là người lãnh đạo tinh thần. Còn mọi quyền lực, mọi chi phối trong các hoạt động trong xã hội đều do nghị viện, thủ tướng do người dân bầu ra lãnh đạo. Trong chính thể quân chủ lập hiến, nhà vua hay nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia, nhưng về quyền lực thì chỉ mang tính chất tượng trưng, đại diện cho truyền thống dòng tộc và sự thống nhất của quốc gia. Chính thể quân chủ lập hiến ở nhiều nước phát triển như Nhật, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Canada… ngày nay thực chất mang hình thức của một nền dân chủ đại diện.

+ Cộng hòa lập hiến là hình thức dân chủ đại diện với một người đứng đầu nhà nước, chẳng hạn như một tổng thống hoặc một chủ tịch nước, được nhân dân bầu lên và chỉ có thể nắm quyền trong một khoảng thời gian hạn chế. Điều này trái ngược với các quốc gia quân chủ lập hiến nơi người đứng đầu nhà nước thường là một vị vua hoặc nữ hoàng có thể cai trị trọn đời, mặc dù về bản chất thì cả hai cũng đều là hình thức dân chủ đại diện.

+ Dân chủ xã hội chủ nghĩa là chế dộ dân chủ đã được xác lập ở các nước đã hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ và bắt đầu tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đặc trưng của dân chủ xã hội chủ nghĩa là quyền dân chủ của công dân không ngừng được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, của xã hội mà cơ bản nhất là dân chủ về kinh tế. Trên lĩnh vực chính trị xã hội, quyền tham gia quản lí nhà nước của nhân dân và các đoàn thể quần chúng ngày càng được mở rộng về phạm vi, về độ sâu và phong phú đa đạng về các hình thức.

Các nước xã hội chủ nghĩa có mô hình chính trị mô phỏng Liên Xô không phải là nên dân chủ theo kiểu cách hiểu của phương Tây. Dân chủ là một lý tưởng được nhắc đến trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản được soạn thảo bởi Karl Marx và Friedrich Engels nhưng khi áp dụng vào thực tế thì mô hình nhà nước Xô viết không có dân chủ theo chuẩn mực dân chủ phương Tây về các quyền tự do như ầu cử tự do, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí,.. Dù hiện nay các nước xã hội chủ nghĩa như Lào, Việt Nam và Trung Quốc vẫn tương đối tự do nhưng ở mức rất thấp so với các tiêu chuẩn trên.

Mối quan hệ giữa hình thức dân chủ đại diện và hình thức dân chủ trực tiếp

Giữa hai hình thức này có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại và chuyển hoá cho nhau. Để thực hiện được dân chủ đại diện thì phải cần đến dân chủ trực tiếp, chẳng hạn việc bầu cử lựa chọn ra các đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân, nghĩa là trước khi mỗi công dân chuyển giao quyền lực của mình cho người đại diện, những đại biểu dân cử và cho Nhà nước thì họ đã phải thực hiện dân chủ trực tiếp bằng cách:

Thứ nhất, tham gia vào hội nghị hiệp thương nhân dân để lựa chọn các ứng cử viên hoặc thông qua tiếp xúc trực tiếp với một hay một số ứng cử viên mà mình sẽ lựa chọn;

Thứ hai, thông qua việc bỏ phiếu kín, trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, công bằng, công khai và minh bạch, để lựa chọn cho mình một đại biểu ưu tú dựa trên ý chí quyết định của chính mình. Ngược lại, đến lượt mình, các đại biểu Quốc hội (nghị sĩ) khi thực hiện quyền lực của công dân (cử tri) giao cho thì lại cần phải dựa trên phương thức dân chủ trực tiếp, nghĩa là tham gia một cách trực tiếp và thể hiện ý chí của mình trong việc lập pháp cũng như các công việc quan trọng khác của Nhà nước.

Chế độ xã hội của nước ta dựa trên nền dân chủ đại diện, nhưng không có nghĩa đó là hình thức dân chủ duy nhất, bởi vì bản thân dân chủ đã luôn luôn bao chứa trong nó cả hai hình thái tồn tại và chỉ có như vậy thì dân chủ mới thực hiện theo đúng nghĩa đầy đủ của nó, mà cần phải thấy rằng chính hình thức dân chủ trực tiếp là nội dung, là cái quyết định đối với nền dân chủ đại diện này. Chỉ khi nào mức độ dân chủ trực tiếp được hiện thực hoá một cách đầy đủ, hiệu quả và sâu rộng thì đó chính là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện tốt hình thức dân chủ đại diện và nền dân chủ đại diện.

Chẳng hạn, khi quyền làm chủ của nhân dân đã được uỷ thác cho những đại diện của mình là đại biểu Quốc hội thì đòi hỏi những đại biểu này cần thường xuyên lắng nghe và phản ánh về những vấn đề thiết yếu hàng ngày của người dân. Những cuộc tiếp xúc trực tiếp với các cử tri và xử lý kiến nghị của cử tri cũng chính là một hình thức của dân chủ trực tiếp giúp cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở cấp đại diện (Quốc hội) được bảo đảm hiệu quả hơn, phản ánh đúng và sâu sát với những bức xúc, trăn trở của nhân dân.

Hơn nữa, quyền lực của nhân dân do được thực hiện thông qua người đại diện của mình (đại biểu Quốc hội) cho nên đôi khi nó “bị khúc xạ” qua lăng kính trình độ và trách nhiệm của những người đại biểu. Do vậy, việc thực hiện dân chủ đại diện không thể tách rời dân chủ trực tiếp còn ở chỗ dân chủ trực tiếp chính là thước đo và là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm, giám sát và đánh giá dân chủ gián tiếp. Chẳng hạn, trước khi một dự luật được Quốc hội thông qua hay một chính sách, nghị định nào của Chính phủ được ban hành thì điều hết sức quan trọng là nó cần phải được gửi cho tất cả mọi công dân để lấy ý kiến của nhân dân, hoặc phải tiến hành trưng cầu dân ý và đây chính là một hình thức của dân chủ trực tiếp. Hình thức này cần phải được coi là nền tảng để thực hiện dân chủ trực tiếp cũng như là cơ chế hết sức quan trọng để thực hiện quyền dân chủ của mọi công dân. Nghĩa là, trưng cầu dân ý cần phải trở thành nguyên tắc Hiến định đối với hoạt động thực thi và giám sát quyền lực của nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở là hết sức quan trọng và cần thiết bảo đảm cho việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân thông qua hình thức dân chủ trực tiếp nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải xây dựng một dự luật về trưng cầu dân ý. Chỉ có như vậy mới giúp cho việc lập pháp và việc hoạch định chính sách tránh được những bất cập, thiếu tính khả thi và chưa thực sự hiệu quả.

Nguyên tắc bảo đảm thực thi dân chủ là gì ?

Nguyên tắc nền tảng của việc thực thi và bảo đảm dân chủ đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ mục đích như vậy, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các cơ chế cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu này. Tổng thể các biện pháp này tạo ra một cơ chế hữu hiệu và duy nhất cho việc bảo đảm và thực thi quyền dân chủ rộng rãi trong xã hội. Chẳng hạn, nếu dân không được biết, không được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật, vào công việc của Nhà nước nghĩa là dân đã không được bảo đảm các quyền chính trị của mình. Dân không “biết”, dân sẽ không thể “bàn” được, và do đó sẽ không “làm” được và không thể “kiểm tra” được quá trình hay công việc đó.

Quy chế dân chủ
Quy chế dân chủ

Quyền dân chủ là gì ?

Quyền dân chủ chính là những yêu sách, nhu cầu nội tại của mỗi cá nhân, với tư cách là công dân đối với các nguyên tắc, các chuẩn mực pháp lý dân chủ trong một thiết chế xã hội dân chủ nhằm bảo đảm sự tham gia một cách tự do, bình đẳng và đầy đủ vào các công việc của Nhà nước và toàn bộ đời sống xã hội của con người.

Quyền dân chủ thực chất chính là yêu sách về bình đẳng chính trị và xã hội của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với Nhà nước, bảo đảm cho cá nhân khả năng hành động theo ý mình, cho sự tự quyết định và làm chủ ý chí của mình mà không có hại cho người khác, và do đó cho khả năng giải phóng toàn diện những năng lực bản chất người của mỗi cá nhân. Ph.Ăngghen khẳng định:

“Từ sự bình đẳng của mọi người với tư cách là những con người, rút ra cái quyền có một giá trị ngang nhau về chính trị và xã hội cho tất cả mọi người, hay ít ra là cho công dân trong một nước, hay cho mọi thành viên trong xã hội”.

Như vậy, quyền dân chủ trước hết là quyền con người, hơn nữa, nó nhấn mạnh đặc biệt đến các quyền về chính trị như là khả năng và điều kiện tiên quyết để thực hiện đầy đủ các quyền con người cơ bản khác. Bởi vì, sự giải phóng về chính trị là điều kiện tiên quyết đối với mọi sự giải phóng khác của con người, bình đẳng về chính trị là tiền đề của mọi sự bình đẳng.

Hay nói cách khác, các quyền về chính trị (tự do bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí…), một mặt, là tiền đề cho việc hiện thực hoá các quyền khác, mặt khác, là sự phản ánh về mức độ giải phóng “năng lực bản chất người” của mỗi cá nhân. Nó chính là nội dung cốt lõi của quyền con người, nó khẳng định con người là “một nhân tính tự do”, “một nhân cách và văn hoá” và “chủ thể sáng tạo của lịch sử và của giới tự nhiên”. Chính vì vậy, các nhà kinh điển mácưxít đã đặc biệt nhấn mạnh đến các quyền về chính trị như là bản chất của quyền dân chủ:

“Vì thế, yêu sách khẩn cấp của công nhân và nhiệm vụ trước tiên để giai cấp công nhân có ảnh hưởng đến công việc của nhà nước là phải giành được tự do chính trị, nghĩa là tất cả mọi công dân đềuđược pháp luật đảm bảo cho họ trực tiếp tham gia việc quản lý nhà nước, tất cả mọi công dân đều được quyền tự do hội họp, bàn bạc công việc của mình, kinh qua các hội của mình và báo chí mà ảnh hưởng đến công việc của nhà nước. Giành lấy tự do chính trị trở thành “một việc làm khẩn cấp đối với công nhân” bởi vì không có tự do chính trị, không có và không thể có ảnh hưởng gì đến công việc của nhà nước và như vậy thì tất nhiên họ vẫn là một giai cấp không có quyền, bị lăng nhục và không được bày tỏ ý kiến của mình”.

Quyền dân chủ còn là một giá trị xã hội của con người đã được thể chế hoá thành hệ thống pháp luật của một nhà nước nhất định, gắn với một hệ thống chính trị nhất định dựa trên một trình độ phát triển nhất định về kinh tế và văn hoá. Vì vậy, quyền dân chủ một mặt là sự phản ánh bước tiến của con người về tự do, bình đẳng và sự giải phóng toàn diện năng lực bản chất người của mỗi cá nhân, mặt khác phản ánh sự phát triển của luật pháp, trình độ kinh tế, văn hoá và tiến bộ xã hội của quốc gia đó. Do đó, có thể nói: quyền dân chủ chính là quyền và tự do cơ bản của con người trong một chế độ xã hội dân chủ hay là yêu sách, nhu cầu chính đáng của con người về sự bình đẳng chính trị và bình đẳng xã hội với tính cách là môi trường và điều kiện cho sự tồn tại, phát triển và hoàn thiện nhân cách văn hoá và nhân tính tự do của mỗi cá nhân.

Bản chất của dân chủ
Bản chất của dân chủ

Bản chất của dân chủ:

Bản chất của dân chủ được hiểu là trong một xã hội hay chế độ mà ở đó quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân phải được thể hiện ở địa vị làm chủ, quyền được làm chủ và quyền lợi của nhân dân trong nền dân chủ nhân dân. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. “Nước ta là dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì nhân dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.” Cũng từ đó, trở thành mục tiêu của mọi vấn đề, sự phát triển trong xã hội và các lĩnh vực khác.

Bản chất của dân chủ được thể hiện qua các mặt khác nhau trong đời sống xã hội. Nếu xét về nền kinh tế chúng ta có thể nhận thấy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dựa vào chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu của toàn xã hội nhằm đáp ứng cho một nền kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập được với nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế nước ta phụ thuộc đa số vào nên kinh tế tư nhân, đây chính là thể hiện cho một nền dân chủ rõ ràng nhất. Người dân được tự do làm kinh tế dựa theo nhu cầu của bản thân mà không phụ thuộc tất cả vào sự quản lý của nhà nước. Người dân được tự do phát triển kinh tế, những vẫn tuân theo những quy định của pháp luật đặt ra để tạo nên một thể thống nhất và thuận tiện cho quá trình quản lý.

Về xã hội, văn hóa – tư tưởng,  một vấn đề được thực hiện rất tốt tại nước ta. Người dân được tự do lựa chọn nơi sinh sống, được mưu cầu hạnh phúc, được vui chơi và giải trí phù hợp với độ tuổi của mình. Những vấn đề này được nhà nước rất quan tâm và đề cao tinh thần. Người dân được tự do tính ngưỡng, được lựa chọn những gì phù hợp với bản thân và gia đình…Tất cả những việc này đều nhằm tạo ra được xã hội tự do, dân chủ và độc lập nhưng vẫn tuân theo những nguyên tắc chung.

Về chính trị, nền chính trị nhìn chung dưới sự lãnh đạo của tài tình của giai cấp công nhân, của Đảng và nhà nước cùng với tư tưởng Mac- Lênin mà trên các lĩnh vực xã hội đều thực hiện quyền lực của nhân dân, thể hiện qua các quyền làm chủ, dân chủ, quyền con người, thỏa mãn ngày càng cao hơn những nhu cầu và lợi ích của nhân dân.

Người dân được biết và bàn về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh quốc gia, đến nơi sinh sống và làm việc của họ. Và Đảng và Nhà nước ta chính là những chủ thể lắng nghe và tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền lực của mình. Công tác tham gia bầu cử luôn được công khai và  minh bạch, đây chính là một trong những phương thức giúp người dân thực  hiện được quyền lực của mình. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát cũng được nâng cao, nhân dân chính là những chủ thế giám sát và đưa ra những ý kiến, quan điểm thiết thực và hiệu quả nhất. Vì họ chính là những người “đang và đã sử dụng dịch vụ này”, chính vì vậy lấy ý kiến của nhân dân để bổ sung, sửa đổi chính là những gì mà Đảng và Nhà nước ta mong muốn nhất.

Như vậy, nhìn chung nhân dân chính là một chủ thể mà tất cả những hoạt động, mọi vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội đều phải lấy ý kiến của nhân dân làm gốc, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Đảng và Nhà nước ta cần khắt phục và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện được tốt các quyền lợi của mình.

********************

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button