Giáo dục

Đa dạng sinh học là gì? Bài tập trắc nghiệm về Đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là gì?

– Đa dạng sinh học là sự phong phú của nhiều dạng, loài và các biến dị di truyền của mọi sinh vật trong đời sống tự nhiên.

– Đa dạng sinh học biểu thị rõ nét nhất ở số lượng loài sinh vật.

Vai trò của đa dạng sinh học

Vai trò của đa dạng sinh học trong tự nhiên

– Đa dạng sinh học giúp duy trì và ổn định sự sống trên Trái Đất.

– Rừng tự nhiên có vai trò điều hòa khí hậu, bảo vệ đất và nước trong tự nhiên, hạn chế hiện tượng sạt lở, xói mòn, lũ quét.

– Rừng còn là nơi ở của các loài động vật hoang dã.

– Nấm phân hủy xác các loài sinh vật và chất thải hữu cơ thành những chất đơn giản giúp đất màu mỡ và làm sạch môi trường.

Vai trò của đa dạng sinhh học đối với con người

– Cung cấp ổn định nguồn nước, lương thực, thực phẩm; đồng thời tạo ra môi trường sống thuận lợi cho con người.

– Tạo nên các cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp phục vụ nhu cầu tham quan giải trí, nghỉ dưỡng của con người.

– Giúp con người thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc làm giảm ảnh hưởng của thiên tai và khí hậu khắc nghiệt.

Nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học và hậu quả

Nguyên nhân

– Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

– Săn bắt, buôn bán động vật hoang dã

– Nạn chặt phá rừng bừa bãi

– Cháy rừng

– Ảnh hưởng của thiên tai (núi lửa phun, bão, động đất…)

Hậu quả

– Rừng bị tàn phá và trở thành đồi trọc

– Động vật không còn nguồn cung cấp thức ăn và nơi cư trú dẫn tới diệt vong

– Gây ra biến đổi khí hậu (bão, lũ quét, hạn hán…)

– Gây xói mòn, sạt lở đất

Bảo vệ đa dạng sinh học

– Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống của con người.

– Đây là việ làm cấp bách, cần thiết, đòi hỏi sự chung tay góp sức của mọi người và của các quốc gia trên thế giới.

– Biện pháp:

+ Trồng rừng

+ Xây dựng hệ thống các vường quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên

+ Nghiêm cấm săn bắt, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm từ các loài động thực vật quý hiếm

Bài tập trắc nghiệm về Đa dạng sinh học

Phần 1

Câu 1: Sự đa dạng loài được thể hiện ở

a. Số lượng loài

b. Sự đa dạng về đặc điểm hình thái của từng loài

c. Sự đa dạng về đặc điểm tập tính của từng loài

d. Tất cả các ý trên đúng

Đa dạng sinh học được biểu thị bằng số lượng loài. Sự đa dạng về loài được thể hiện bằng sự đa dạng về đặc điểm hình thái và tập tính của từng loài.

→ Đáp án d

Câu 2: Số loài động vật trên Trái Đất là

a. 1 triệu loài

b. 1,5 triệu loài

c. 2 triệu loài

d. 2,5 triệu loài

Động vật phân bố rất rộng rãi trên Trái Đất. Ước tính số loài động vật hiện nay được biết có khoảng 1,5 triệu loài.

→ Đáp án b

Câu 3: Môi trường nào có đa dạng sinh học lớn nhất

a. Đới lạnh

b. Hoang mạc đới nóng

c. Nhiệt đới khí hậu nóng ẩm

d. Cả a và b đúng

Môi trường nhiệt đới khí hậu nóng ẩm, giới Thực vật phát triển phong phú, nên điều kiện sống đa dạng, tạo điều kiện cho sự thích nghi đa dạng của nhiều loài, số loài lớn, độ đa dạng cao.

→ Đáp án c

Câu 4: Động vật nào thích nghi với đời sống ở môi trường hoang mạc đới nóng

a. Chuột nhảy

b. Gấu trắng

c. Cú tuyết

d. Cáo Bắc cực

Chuột nhảy là động vật sống thích nghi với môi trường hoang mạc đới nóng, chúng có đôi chân dài cho những bước nhảy xa tránh tiếp xúc với cát nóng.

→ Đáp án a

Câu 5: Chim cánh cụt có lớp mỡ dưới da rất dày để làm gì?

a. Dự trữ năng lượng

b. Giúp chim giữ nhiệt cho cơ thể, chống rét

c. Giúp chim nổi khi bơi

d. Cả a và b đúng

Chim cánh cụt có lớp mỡ dưới da rất dày, nó giúp giữ nhiệt, dự trữ năng lượng, chống rét khi sống ở môi trường lạnh giá quanh năm.

→ Đáp án d

Câu 6: Đặc điểm nào thường gặp ở động vật đới lạnh

a. Chân cao, móng rộng, đệm thịt dày

b. Lông màu trắng vào mùa đông

c. Hoạt động vào ban đêm

d. Di chuyển bằng cách quăng thân

Động vật đới lạnh thường có bộ lông dày, màu trắng để chống rét và có màu giống màu tuyết để lẩn tránh kẻ thù.

→ Đáp án b

Câu 7: Đặc điểm của lạc đà thích nghi với môi trường hoang mạc đới nóng là

a. Bướu mỡ

b. Có màu lông giống màu cát

c. Chân cao, móng rộng, có đệm thịt dày

d. Tất cả các đặc điểm trên đúng

Lạc đà có các đặc điểm thích nghi sống ở môi trường hoang mạc đới nóng: có màu lông giống màu cát để lẩn tránh kẻ thù; có bướu mỡ dày là nơi dự trữ nước; chân cao, móng rộng, có đệm thịt dày để không bị lún, đệm thịt chống nóng.

→ Đáp án d

Câu 8: Đặc điểm nào dưới đây KHÔNG có ở các động vật đới nóng

a. Có khả năng di chuyển xa

b. Di chuyển bằng cách quăng thân

c. Hoạt động vào ban ngày

d. Có khả năng nhịn khát

Các động vật đới nóng thường hoạt động vào ban đêm để tránh nóng ban ngày

→ Đáp án c

Câu 9: Hiện tượng ngủ đông của động vật đới lạnh có ý nghĩa gì

a. Để lẩn tránh kẻ thù

b. Tránh mất nước cho cơ thể

c. Giúp cơ thể tiết kiệm năng lượng

d. Tránh nóng ban ngày

Động vật đới lạnh thường ngủ suốt mùa đông để tiết kiệm năng lượng cho cơ thể.

→ Đáp án c

Câu 10: Rắn sa mạc có đặc điểm gì để thích nghi với môi trường hoang mạc đới nóng?

a. Màu lông nhạt, giống màu cát

b. Chui rúc vào sâu trong cát

c. Di chuyển bằng cách quăng thân d

d. Tất cả đặc điểm trên đều đúng

Rắn sa mạc có đặc điểm thích nghi hoàn toàn với môi trường hoang mạc đới nóng như: màu lông giống màu cát, chui rúc sâu trong cát, di chuyển bằng cách quăng thân.

→ Đáp án d

Phần 2

Câu 1: Số loài động vật ở … cao hơn hẳn so với tất cả những môi trường địa lí khác trên Trái Đất.

a. Môi trường đới lạnh

b. Môi trường hoang mạc đới nóng

c. Môi trường nhiệt đới gió mùa

d. Môi trường ôn đới

Số loài động vật ở môi trường nhiệt đới gió mùa cao hơn hẳn so với tất cả những môi trường địa lí khác trên Trái Đất, là do môi trường nhiệt đới gió mùa có khí hậu nóng, ẩm tương đối ổn định, thích hợp với sự sống của mọi loài sinh vật.

→ Đáp án c

Câu 2: Tại sao trên đồng ruộng đồng bằng miền Bắc Việt Nam có thể bắt gặp 7 loài rắn cùng chung sống với nhau mà không hề cạnh tranh với nhau?

a. Vì mỗi loài rắn sống trong một điều kiện sống nhất định khác nhau

b. Vì mỗi loài rắn có nguồn sống nhất định khác nhau

c. Vì mỗi loài rắn có tập tính hoạt động nhất định khác nhau

d. Tất cả a, b, c đều đúng

Các loài rắn trên đồng ruộng, ở đồng bằng Bắc Bộ : có những loài chuyên ăn rắn, có những loài chủ yếu ăn chuột, hoặc chủ yếu ăn ếch nhái hay sâu bọ. Có loài bắt chuột về ban ngày (bắt trong hang), có loài về ban đêm (bắt ở ngoài hang)… Do vậy, trên cùng một nơi có thể có nhiều loài cùng sống bên nhau, tận dụng được nguồn sống của môi trường mà không cạnh tranh với nhau, làm cho số lượng loài động vật ở nơi đó tăng lên rõ rệt.

→ Đáp án d

Câu 3: Thức ăn của rắn giun là

a. Giun đất

b. Giun đũa

c. Sâu bọ

d. Chuột

Rắn giun sống chui luồn trong đất, thức ăn là sâu bọ.

→ Đáp án c

Câu 4: Tài nguyên động vật được sử dụng trong sản xuất công nghiệp là

a. Da động vật

b. Lông động vật

c. Sáp ong, cánh kiến

d. Tất cả các tài nguyên động vật trên

Nguồn tài nguyên động vật đã cung cấp vật liệu sản xuất công nghiệp da, lông, sáp ong, cánh kiến… cho hoạt động của con người.

→ Đáp án d

Câu 5: Đặc điểm nào KHÔNG phải là lợi ích của nguồn tài nguyên động vật?

a. Gây ô nhiễm môi trường

b. Cung cấp thực phẩm, dược liệu

c. Tiêu diệt các loài sinh vật có hại

d. Làm giống vật nuôi

Nguồn tài nguyên động vật đã cung cấp cho nhân dân ta thực phẩm, sức kéo, dược liệu, sản xuất công nghiệp (da, lông, sáp ong, cánh kiến…), nông nghiệp (thức ăn gia súc, phân bón), có những loài có tác dụng tiêu diệt các loài sinh vật có hại, có giá trị văn hóa (cá cảnh, chim cảnh), giống vật nuôi (gia cầm, gia súc và những động vật nuôi khác…)

→ Đáp án a

Câu 6: Đặc điểm nào dưới đây có ở rắn hổ mang?

a. Hoạt động vào ban ngày

b. Sống chui luồn trong đất

c. Vừa sống ở nước vừa ở cạn

d. Thức ăn chủ yếu là chuột

Rắn hổ mang sống trên cạn, bắt mồi vào ban đêm và thức ăn chủ yếu là chuột.

→ Đáp án d

Câu 7: Loài rắn nào là loài có ích cho con người

a. Rắn nước

b. Rắn săn chuột

c. Rắn cạp nong

d. Rắn ráo

Rắn săn chuột sống trên cạn, có thức ăn chủ yếu là chuột, nên là loài có ích với con người.

→ Đáp án b

Câu 8: Rắn ráo sống trong môi trường nào?

a. Trên cạn

b. Trên cây

c. Chui luồn trong đất

d. Trên cạn và trên cây

Rắn ráo sống trên cạn và leo cây, chúng ăn ếch nhái và chim non.

→ Đáp án d

Câu 9: Đâu là nguyên nhân chính gây nên sự diệt vong của các loài động thực vật?

a. Do các loài thiên tai xảy ra

b. Do các loại dịch bệnh bất thường

c. Do khả năng thích nghi của sinh vật kém đi

d. Do các hoạt động của con người

Tỉ lệ diệt vong những loài động, thực vật gây ra do con người gấp nghìn lần so với tỉ lệ diệt vong tự nhiên.

→ Đáp án d

Câu 10: Các hoạt động của con người làm giảm sút độ đa dạng sinh học là

a. Phá rừng, khai thác gỗ, du canh, di dân khai hoang, nuôi trồng thủy sản, xây dựng đô thị, làm mất môi trường sống của động vật

b. Sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, việc thải các chất thải của các nhà máy gây ô nhiễm môi trường

c. Sự săn bắn động vật hoang dã

d. Tất cả các hoạt động trên

Các hoạt động của con người dần làm giảm sút độ đa dạng sinh học:

– Nạn phá rừng, khai thác gỗ và các lâm sản khác, du canh, di dân khai hoang, nuôi trồng thủy sản, xây dựng đô thị, làm mất môi trường sống của động vật.

– Sự săn bắn buôn bán động vật hoang dại cộng với việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, việc thải các chất thải của các nhà máy, đặc biệt là khai thác dầu khí hoặc giao thông trên biển.

→ Đáp án d

********************

Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button