Giáo dụcLớp 12

Cảm nhận về sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về Đất nước qua đoạn thơ…

Đề bài: Cảm nhận về sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về Đất nước qua đoạn thơ: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi…Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất nước có từ ngày đó”

Cam nhan ve su ket hop giua cam xuc nong nan va suy tu sau lang cua nguoi tri thuc ve Dat nuoc

Dàn ý, bài văn mẫu viết cảm nhận về sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước

Bạn đang xem: Cảm nhận về sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về Đất nước qua đoạn thơ…

Bài làm:

Trên diễn đàn văn học Việt Nam, Nguyễn Khoa Điềm được biết đến là gương mặt thơ tiêu biểu trong thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ với phong cách thơ mang đậm tính chính luận và trữ tình. Sự quyện hòa đó đã được thể hiện rõ nét qua trích đoạn “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường và khát vọng”). Thông qua chín câu thơ đầu tiên, chúng ta có thể thấy được sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về cội nguồn của Đất Nước trong cách cảm nhận độc đáo của tác giả:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay, muối mặn
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Cái kèo, cái cột thành tên
Đất Nước có từ ngày đó”

Tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã trả lời cho câu hỏi: “Đất Nước có từ khi nào” thông qua việc dẫn dắt người đọc vào một thế giới hình ảnh thơ quen thuộc và mang đậm nét văn hóa dân gian. Những lý giải về cội nguồn của Đất Nước mang tính triết luận đã được thể hiện qua những câu thơ giàu cảm xúc, tha thiết, trữ tình mà vẫn suy tư sâu lắng. Trước hết, hình tượng Đất Nước được gợi ra từ những gì thân thuộc nhất gắn với không gian tuổi thơ của mỗi một con người: “Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể”. Câu thơ gợi lên sự êm dịu, bình yên, ngọt ngào của tình mẫu tử qua khung cảnh người mẹ đưa nôi cùng những lời ru ầu ơ và câu chuyện cổ tích diệu kì tắm mát, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi một con người. Thế giới đó còn được khắc họa rõ nét hơn nữa qua “miếng trầu bà ăn”. Chất liệu văn hóa dân gian đã được tác giả sử dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo gợi lên câu chuyện “Trầu Cau” quen thuộc cùng thói quen sử dụng miếng trầu là “đầu câu chuyện”. Suy tư sâu sắc về Đất Nước đã gắn liền và quyện hòa cùng niềm tự hào về không gian truyền thống văn hóa theo chiều đồng đại và bề dày, độ dài lịch sử theo chiều lịch đại.

Sự chiêm nghiệm mang tính triết lí còn được gợi ra từ truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Hình ảnh cậu bé Phù Đổng Thiên Vương nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí đánh tan giặc n qua câu chuyện “Thánh Gióng” một lần nữa khẳng định những suy tư về cội nguồn của Đất Nước vừa mang đậm tính triết lí vừa nồng nàn cảm xúc.

Đất Nước còn được tái hiện qua không gian văn hóa quen thuộc cùng những thói quen, phong tục tập quán: “Tóc mẹ thì bới sau đầu / Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Hình ảnh người mẹ một lần nữa xuất hiện để tô đậm những truyền thống lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc cùng lối sống tình nghĩa thủy chung, trước sau như một của con người Việt Nam. Đất Nước còn được tái hiện thông qua niềm tự hào về nền văn minh lúa nước của dân tộc: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng” qua quá trình lao động cần mẫn, đôi tay tỉ mỉ của người nông dân. Cuối cùng, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát lên một chân lí “Đất Nước có từ ngày đó”. Lý giải mang tính suy tư, chiêm nghiệm triết lý về “ngày đó” – ngày Đất Nước được hình thành đã được tác giả thể hiện bằng cảm xúc nồng nàn, sâu lắng qua những truyền thống, phong tập đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc cũng như chiều sâu lịch sử.

Khái niệm về sự hình thành, cội nguồn Đất Nước đã được kiến giải qua những biểu hiện cụ thể, sinh động về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, lịch sử. Tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các biện pháp nghệ thuật, đặc biệt là sự sáng tạo trong việc sử dụng chất liệu văn hóa dân gian cùng nhịp thơ linh hoạt qua thể thơ tự do để khiến những suy tư, kiến giải về cội nguồn Đất Nước – một vấn đề vốn mang tính triết luận hiện lên với cảm xúc trữ tình nồng nàn, sâu lắng.

Như vậy, trong chín câu thơ đầu tiên của trích đoạn “Đất Nước”, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã dẫn dắt người đọc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ. Qua những hình ảnh thơ giàu cảm xúc và suy tư sâu lắng, chúng ta có thể thấy rõ đặc trưng của thơ ông. Đó là sự quyện hòa và kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và chính luận.

Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm là bài thơ thường xuyên xuất hiện trong các kì thi quan trọng như: Thi cuối kì, thi tốt nghiệp THPT. Để củng cố thêm những kiến thức về tác phẩm này, các em có thể tìm đọc thêm nhiều bài văn mẫu khác như: Cảm nhận về đoạn thơ Đất Nước làm sáng tỏ nhận định: Chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn thơ Đất Nước được sử dụng vừa quen thuộc vừa mới lạ, Phân tích hình tượng Đất nước từ phương diện Địa lí – lãnh thổ trong trích đoạn Đất nước, Phân tích phong cách triết luận trữ tình của Nguyễn Khoa Điềm trong Đất nước, Phân tích và chứng minh Nguyễn Khoa Điềm đã dùng một đất nước của ca dao thần thoại để thể hiện tư tưởng đất nước của nhân dân,…

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button