Giáo dụcLớp 8

Cảm nhận về hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm

Đề bài: Cảm nhận về hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm

cam nhan ve hinh anh ngon lua diem trong truyen co be ban diem

Cảm nhận về hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm

Bạn đang xem: Cảm nhận về hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm

I. Dàn ý Cảm nhận về hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả An-đéc-xen và tác phẩm “Cô bé bán diêm”
– Giới thiệu về hình ảnh ngọn lửa diêm.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh của cô bé bán diêm
– Mẹ mất sớm, ở với người bố bạo lực.
– Hàng ngày phải đi bán diêm để kiếm sống.

b. Ngọn lửa diêm chính là ngọn lửa sưởi ấm cô bé trong đêm đông giá rét
– Trong đêm giao thừa lạnh giá, vì chưa bán hết diêm nên cô bé không dám về nhà.
– Vì quá lạnh, cô đã quẹt diêm để sưởi cho đỡ lạnh.

c. Ngọn lửa thể hiện ước mơ của cô bé đáng thương, tội nghiệp
– Que diêm thứ nhất sáng lên, em bé tưởng chừng như đang ngồi trước lò sưởi bằng sắt toả ra hơi ấm dịu dàng. → Đây là mong ước giản dị nhưng lại xa vời đối với em bé.
– Ngọn lửa từ que diêm thứ hai đã giúp em nhìn thấu và tận trong nhà, nơi có bàn ăn thịnh soạn, có ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao, phuốc-sét cắm trên lưng tiến về phía mình. → Em bé muốn có một bữa ăn để có sức chống chọi với cái rét.
– Que diêm thứ ba phát sáng, em bé thấy một cây thông Nô-en lộng lẫy, những ngọn nến sáng rực, lấp lánh. → Em bé muốn được vui chơi trong đêm giao thừa như bao đứa trẻ khác.
– Que diêm thứ tư sáng lên cũng là lúc em bé nhìn thấy bà đang mỉm cười với mình. → Em mơ ước được sống bên người bà hiền hậu.
– Hình ảnh ngọn lửa diêm tượng trưng cho ước muốn hạnh phúc, ấm no dưới mái nhà tràn ngập tình yêu thương của em bé.
– Những ngọn lửa ấy cũng gợi sự đau xót cho bạn đọc khi nhớ về cuộc đời của em bé bán diêm xấu số.
– Hình ảnh ngọn lửa cũng thể hiện tiếng nói nhân đạo của nhà văn.

3. Kết bài

– Khái quát ý nghĩa hình ngọn lửa trong tác phẩm.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm (Chuẩn)

Nếu nước Ý có Gianni Rodari, nước Anh có A.A.Milne,… thì Đan Mạch có nhà văn An-đéc-xen nổi tiếng với những câu chuyện dành cho thiếu nhi. Nhiều truyện kể của ông đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc thế giới. Một trong số đó phải kể đến truyện ngắn “Cô bé bán diêm”.

Nhân vật chính trong câu chuyện là một em bé bán diêm có hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp. Em mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, sống cùng người cha bạo lực ở trên gác sát mái nhà của một xó tối tăm, mặc dù đã “nhét giẻ rách vào các kẽ hở lớn trên vách” nhưng “gió vẫn thổi rít vào trong nhà”. Trong đêm giao thừa, khi mọi người được quây quần, sum họp bên gia đình, người thân để đón chào năm mới thì em vẫn phải đầu trần, chân đất chịu cảnh đói rét, “dò dẫm trong bóng tối”. Em đã phải một mình chống chọi với sự lạnh giá, khắc nghiệt của thời tiết. Mặc dù cả ngày hôm nay em vẫn chưa ăn gì nhưng em không dám về nhà vì sợ cha đánh. Người cha ấy đâu dành tình thương cho em. Người cha ấy sẵn sàng dùng đòn roi với em khi cả ngày em không bán được bao diêm nào hoặc “không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về”.

Giữa cái lạnh cắt da, cắt thịt cùng sự cô đơn giữa đêm tối, em đã ngồi “nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi vào chút ít” và quyết định quẹt những que diêm để sưởi ấm. “Giá quẹt một que diêm mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ? Giá em có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ”? Đó cũng là mong ước chính đáng của một đứa trẻ nhỏ không được hưởng hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình. Những ngọn lửa cứ nối tiếp nhau cháy sáng lên xua tan đi đêm đông lạnh lẽo. Giữa đêm đông, ngọn lửa diêm trở thành nguồn an ủi duy nhất đối với cô bé trong đêm giao thừa rét buốt. Nhờ có ngọn lửa ấy mà cô bé mới có được cảm giác ấm áp trong những phút giây cuối cùng của cuộc đời.

Không chỉ giúp em bé sưởi ấm, những ngọn lửa diêm còn mang theo cả ước mơ và hi vọng của em. Em đánh liều quẹt que diêm thứ nhất, “ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt”. Ánh sáng phát ra từ ngọn lửa mới kì diệu làm sao, em bé tưởng như mình “đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng”, “trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và toả ra hơi nóng dịu dàng”. Em đã ước mình sẽ được ngồi hàng giờ trước lò sưởi trong đêm đông rét buốt khi “tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút”. Điều ước ấy không quá cao sang nhưng đối với cô bé, đó là một điều xa xỉ. Trong thời tiết khắc nghiệt như vậy, ước mơ được ngồi trước lò sưởi của cô bé khiến người đọc xúc động biết bao.

Que diêm đầu tiên rực sáng không được bao lâu thì vụt tắt, em bé quẹt tiếp que diêm thứ hai, “diêm cháy và sáng rực lên” giúp em nhìn thấu được vào tận trong nhà, nơi có bàn ăn đã dọn sẵn, “khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay” nhưng điều kì diệu khiến em thích thú là “ngỗng ta nhảy ra khỏi đãi và mang cả dao ăn, phuốc-sét cắm trên lưng, tiến về phía em bé”. Phải chăng, vì đói bụng mà em đã mơ ước có được bàn ăn thịnh soạn? Đó là phần quà bù đắp cho em, cho những tháng ngày cực khổ không được ăn no bụng. Với một đứa trẻ, niềm vui chỉ đơn giản là khi được ăn một bữa thật no nê. Mong muốn bình dị như vậy nhưng em bé bán diêm cũng không thể nào có được. Khi que diêm vụt tắt cũng là khi tấm rèm bằng vải màu quay trở lại làm những bức tường “dày đặc và lạnh lẽo”, chẳng có bàn ăn nào cả, chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu và mấy người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm”.

Em tiếp tục quẹt que diêm thứ ba, một cây thông Nô-en lộng lẫy hiện ra, hàng ngàn ngọn nến đang ganh nhau lấp lánh trên cành lá xanh tươi và “rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng”. Nhưng trớ trêu thay, khi em bé với đôi tay về phía cây thông thì diêm tắt, “tất cả các ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời”. Là một đứa trẻ, em cũng có mơ ước được vui chơi, nô đùa trong đêm giao thừa như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng vì cuộc sống mưu sinh khổ cực, em phải vật lộn với cuộc đời đầy rẫy sự khó khăn.

Có lẽ ước mơ cao cả nhất của em bé đã được hiện lên ở ngọn lửa diêm thứ tư. Em đã mơ thấy người bà hiền hậu, kính yêu đang mỉm cười với mình. Em nhớ đến khoảng thời gian khi bà chưa về với “Thượng đế chí nhân”, hai bà cháu đã từng sung sướng và hạnh phúc biết bao. Trông thấy bà, em không kìm nén được xúc động: “Cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu”. Em bé mong được đoàn tụ với bà ở một thế giới khác yên ám và hạnh phúc hơn thực tại tối tăm, rét buốt và bất hạnh này. Em sợ khi diêm tắt thì bà cũng biến mất nên đã quẹt hết tất cả số diêm còn lại trong bao để níu bà ở lại. Người bà đẹp lão, nhân từ cầm lấy tay em “rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe doạ họ nữa” bởi “họ đã về chầu Thượng đế”. Người ta chỉ thấy thi thể một em bé ngồi giữa những bao diêm và nghĩ rằng “Chắc nó muốn sưởi cho ấm” nhưng không một ai biết được những điều kì diệu mà em bé trông thấy, “nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm”. Em muốn được sống với bà, em muốn rời xa thực tại côi cút, đói rét và cô đơn này. Hình ảnh ngọn lửa diêm trong tác phẩm tượng trưng cho ước muốn hạnh phúc, ấm no dưới mái nhà tràn ngập tình yêu thương của em bé. Những ngọn lửa ấy cũng gợi sự đau xót cho bạn đọc khi nhớ về cuộc đời ngắn ngủi của em bé bán diêm xấu số.

Bằng tài năng kể chuyện hấp dẫn cùng dụng ý nghệ thuật sâu sắc, An-đéc-xen đã xây dựng thành công hình ảnh ngọn lửa diêm để thể hiện những ước mơ cháy bỏng của em bé. Đồng thời, thông qua hình ảnh ngọn lửa diêm, tác giả cũng thể hiện tiếng nói nhân đạo của chính mình và khơi gợi được nguồn cảm thông sâu sắc nơi bạn đọc.

—————HẾT——————-

Trên đây là bài Cảm nhận về hình ảnh ngọn lửa diêm trong truyện Cô bé bán diêm. Để hiểu hơn về toàn bộ tác phẩm, các em có thể tham khảo các bài viết: Phân tích truyện ngắn Cô bé bán diêm, Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm trong truyện ngắn Cô bé bán diêm, Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen, Cảm nghĩ về cái kết truyện Cô bé bán diêm.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button