Giáo dục

Cảm nhận về hai khoảnh khắc vô tận trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt

Tham khảo ngay tài liệu hướng dẫn phân tích, cảm nhận về hai khoảnh khắc vô tận trong “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt” để khơi dậy sức sống tiềm tàng, phẩm chất tốt đẹp trong mỗi nhân vật, thấy được tấm lòng nhân đạo của hai nhà văn dành cho những người lao động.

Hướng dẫn làm bài cảm nhận về hai khoảnh khắc vô tận trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt

Đề bài: Đọc tác phẩm văn học, ta luôn bắt gặp những khoảnh khắc vô tận ngắn ngủi về thời gian vật lí nhưng vô tận về ý nghĩa nhân sinh.

Đó là khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ để tìm đường sống (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

Bạn đang xem: Cảm nhận về hai khoảnh khắc vô tận trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt

Đó là khoảnh khắc Tràng tặc lưỡi “Chậc, kệ!” đưa thị về nhà để tìm hạnh phúc (Vợ nhặt – Kim Lân)

Hãy trình bày những cảm nhận của anh/chị về hai “khoảnh khắc vô tận” trên.

1. Phân tích đề

– Dạng đề: so sánh văn học trong đoạn trích (tác phẩm) có định hướng (hai khoảnh khắc vô tận)

– Yêu cầu nội dung: phân tích hai khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ và Tràng tặc lưỡi đưa thị về nhà.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ nhặt của Kim Lân.

– Phương pháp lập luận chính: phân tích, cảm nhận.

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Giải thích về “khoảnh khắc vô tận” trong văn học

Luận điểm 2: Phân tích khoảnh khắc Mị chạy vụt theo A Phủ

Luận điểm 3: Phân tích khoảnh khắc Tràng tặc lưỡi đưa thị về nhà

Luận điểm 4: So sánh sự tương đồng và khác biệt giữa hai khoảnh khắc.

3. Lập dàn ý cảm nhận hai khoảnh khắc vô tận trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt

a) Mở bài

– Giới thiệu về “khoảnh khắc vô tận” trong văn thơ:

Ví dụ: Có phải chăng, nghệ thuật sinh ra đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là cải tạo hiện thực? Phải chăng sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút chính là tìm được những hạt ngọc trong bề sâu tâm hồn người và đóng băng chúng vĩnh cửu trong ngôn từ thơ ca để tìm ra những giá trị nhân loại trọn vẹn thời gian và không gian lịch sử? Vậy nên, qua sự đọc, ta bắt gặp “những khoảnh khắc vô tận” đong đầy mãi nơi nhịp thở con tim bởi đó chính là hạt ngọc tâm hồn, là những giá trị nhân loại, là tiếng hát vô biên, vĩnh hằng của văn chương.

– Giới thiệu hai khoảnh khắc vô tận được nói đến trong đề bài: Mị vụt chạy theo A Phủ để tìm đường sống và Tràng tặc lưỡi đưa thị về nhà để tìm hạnh phúc.

b) Thân bài

* Giải thích:

– Khoảnh khắc: khoảng thời gian hết sức ngắn.

– Khoảnh khắc vô tận: khoảng thời gian ngắn nhưng để lại nhiều suy nghĩ về con người và cuộc sống. Đặc trưng của văn học là cô đọng, hàm súc, đa nghĩa, mỗi chi tiết nghệ thuật có nhiều tầng bậc ý nghĩa. Tác giả lựa chọn miêu tả những khoảnh khắc ấn tượng khiến người đọc suy ngẫm để rút ra bài học về tư tưởng, lẽ sống…

* Giới thiệu khái quát về hai tác giả, tác phẩm:

– Tô Hoài là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. “Vợ chồng A Phủ” trích trong tập “Truyện Tây Bắc”, là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông được viết sau chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1952. Tác phẩm là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu để bọn thực dân, chúa đất áp bức đày đọa trong tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.

– Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. “Vợ nhặt” là một sáng tác tiêu biểu của Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Tác phẩm không chỉ miêu tả tình cảnh thế thảm của người nông dân trong nạn đói 1945 mà còn thể hiện bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ.

* Cảm nhận về hai “khoảnh khắc vô tận”

(+) Khoảnh khắc Mị chạy vụt theo A Phủ

– Nguyên cớ: Mị là một cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, và có nhiều chàng trai theo đuổi. Vì cảnh ngộ éo le của gia đình với món nợ truyền kiếp khiến Mị trở thành con dâu gạt nợ của nhà thông lí Pá Tra. Cuộc sống cực nhục khổ đau tại nhà thống lí đã biến Mị từ cô gái tự do, đầy sức sống trở thành người nô lệ, tê liệt về tinh thần, mất hết ý thức sống… Thế nhưng với phẩm chất tốt đẹp của người lao động, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong Mị vẫn ấm rồi bùng cháy mãnh liệt vào đêm tình mùa xuân khi Mị muốn đi chơi. Và đặc biệt là đêm mùa đông năm sau khi Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ.

– Diễn biến cụ thể: Khi chứng kiến cảnh A Phủ bị bắt trói, ban đầu Mị thản nhiên, vô cảm. Nhưng lúc Mị nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má xám đen lại của A Phủ thì Mị đã bừng tỉnh, Mị đã bồi hồi nhớ lại quá khứ: “Đêm năm trước, Mị cũng phải trói đứng thế kia”. Mị động lòng thương: “chỉ đêm mai là người kia chết”. Ý nghĩ đó đánh thức tình thương và lòng căm hận trong Mị. Tình thương người cứ lớn dần lên để rồi dẫn Mị đến một ý thức về một sự thật tàn bạo, bất công, vô lí “Người kia việc gì mà phải chết thế”. Mị tưởng tượng mình sẽ chết thay cho A Phủ, Mị cũng không sợ. Mị lặng lẽ cắt nút dây mây, hốt hoảng giục A Phủ “Đi ngay”. Rồi Mị “nghẹn lại, đứng lặng trong bóng tối. Trong phút chốc, Mị vụt chạy. “Trời tối lăm nhưng Mị vấn bằng đi”. “- A Phủ cho tôi đi” câu nói của Mị thể hiện niềm khao khát sống mãnh liệt. Mị sợ hãi. Bản năng tự vệ đã tiếp thêm cho Mị sức mạnh chạy theo A Phủ bởi cô hiểu rằng “Ở đây thì chết mất”. Cả hai trốn khỏi Hồng Ngài, đến Phiềng Sa tạo lập cuộc sống mới.

=> Hành động của Mị mang tính bộc phát, bất ngờ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi do sự thúc bách của tình thế. Nhưng đó cũng là hệ quả tất yếu mang tính lôgic của một ý niệm thân phận thức tỉnh, một tâm hồn cằn cỗi đã hồi sinh. Với nghị lực phi thường, lòng ham sống mãnh liệt, Mị đã vùng lên tự giải thoát mình khỏi uy quyền, thân quyền của bọn lãnh chúa đương thời đè nặng tâm hồn bao thế hệ.

  • Tham khảo bài văn phân tích tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ để hiểu rõ hơn những nguyên cớ và diễn biến của hành động chạy theo A Phủ của Mị

(+) Khoảnh khắc Tràng tặc lưỡi “Chậc, kệ !” khi đưa thị về nhà để tìm hạnh phúc

– Nguyên cớ và diễn biến cụ thể: Tràng là một người lao động nghèo,dân xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe bò thuê với cuộc sống bấp bênh giữa nạn đói khủng khiếp năm 1945. Tuy sống trong cảnh ngộ đói rách nhưng Tràng là người cởi mở, bao dung, nhân hậu. Trong một lần đẩy xe bò thóc lên dốc tỉnh, Tràng hò một câu cho đỡ mệt không có ý chòng ghẹo cô nào. Một người đàn bà đã chạy ra đẩy xe cho Tràng. Lần thứ hai gặp lại, Tràng không nhận ra thị vì trông thị đói rách và xơ xác quá. Tràng sẵn lòng mời thị bốn bát bánh đúc. Tràng đùa: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, thị về thật. Nghĩ đến tình thế hiện tại, thóc cao gạo kém, nuôi mình không xong, Tràng cũng thấy chợn. Những khát vọng hạnh phúc âm thầm bấy lâu chiến thắng nỗi sợ hãi. Tràng quyết định: “Chậc! Kệ”, liều lĩnh đưa người đàn bà xa lạ về nhà.

=> Hành động của Tràng tưởng chừng giản đơn, liều lĩnh trong giây phút bồng bột, thiếu suy nghĩ nhưng nó lại chất chứa tình yêu thương giữa những con người khốn khổ. Sợi dây nối kết Tràng và thị là sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ. Đó là biểu hiện của lòng nhân hậu vị tha cùng niềm khát khao cháy bỏng hạnh phúc gia đình. Cuộc sống của Tràng đã thay đổi từ quyết định giản đơn đó. Gương mặt anh lấp lánh niềm vui. Sáng hôm sau Tràng thấy mình “êm ái, lửng lơ” trong hạnh phúc. Anh thấy mình nên người. Anh thấy yêu thương gắn bó với gia đình hơn. Tràng đã nghĩ tới sự thay đổi trong tương lai với biết bao niềm tin và hi vọng.

  • Xem thêm bài nghị luận phân tích tình huống nhặt vợ trong truyện Vợ nhặt để nắm vững những chi tiết tình huống dẫn đến hành động của Tràng (đưa thị về nhà)

(+) So sánh sự tương đồng và khác biệt giữa hai khoảnh khắc

* Tương đồng: Cả hai hành động đều diễn ra trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, táo bạo, bất ngờ, mang tính bộc phát nhưng tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc đời nhân vật. Đó là điểm nút quan trọng trong tình huống truyện, quyết định sự phát triển của cốt truyện, khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của tác phẩm cũng như tài năng nghệ thuật tác giả. Qua đó gửi nhiều thông điệp ý nghĩa tới người đọc.

* Khác biệt: Mỗi khoảnh khắc mang dấu ấn sáng tạo riêng của tác giả.

– Về nội dung:

+ Tô Hoài tập trung khắc họa số phận đau khổ của người phụ nữ Tây Bắc dưới ách áp bức bóc lột của thực dân chúa đất đồng thời ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong họ.

+ Kim Lân phản ánh chân thực tình cảnh thế thảm của người nông dân trong nạn đói năm 1945 và ngợi ca niềm khát khao hạnh phúc gia đình, niềm tin bất diệt vào sự sống, tình yêu thương đùm bọc giữa những người lao động nghèo khổ trên bờ vực cái chết.

– Về nghệ thuật:

+ Vợ chồng A Phủ: Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, miêu tả tâm lý tinh tế, cách trần thuật uyển chuyển linh hoạt, cách kể chuyện dẫn dắt khéo léo, ngôn ngữ sinh động chọn lọc.

+ Vợ nhặt: Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, lối dựng truyện tự nhiên đơn giản nhưng chặt chẽ, giọng văn mộc mạc giản dị, tính cách nhân vật sắc nét sinh động.

(+) Lý giải sự khác biệt

– Bản chất nghệ thuật là sự sáng tạo, “Mỗi tác phẩm văn học phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (nhà văn Lê-ô-nit Lê-ô-nôp); Do nét riêng của hoàn cảnh sáng tác, phong cách nghệ thuật độc đáo của mỗi tác già.

c) Kết bài

– Những khoảnh khắc vô tận chính là những chi tiết nghệ thuật đắt giá góp phần làm nên tác phẩm lớn. Đó là sự kết tinh biết bao tâm huyết, tài năng của người cầm bút.

Bạn nên tham khảo thêm: Sức mạnh của tình thương yêu con người trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt

Bài văn mẫu tham khảo

“Văn học là nhân học” (M.Gorki). Phải chăng sứ mệnh của văn học là phục vụ nhân sinh? Phải chăng nhiệm vụ thiêng liêng của người cầm bút là thám hiểm, dò tìm, khám phá những khoảnh khắc thấm đượm giá trị nhân đạo? Vì vậy, đọc tác phẩm văn học ta luôn bắt gặp những khoảnh khắc ngắn ngủi về thời gian vật lí nhưng vô tận về ý nghĩa nhân sinh. Đó là khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ để tìm đường sống trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, là khoảng khắc Tràng tặc lưỡi “chậc, kệ!” để tìm hạnh phúc trong Vợ nhặt của Kim Lân.

Cây đại thụ văn học vốn dĩ hút nhựa từ cuộc sống để nở hoa. Cuộc sống thì vốn đã trăm màu, nghìn vẻ nhưng qua ngòi bút ngôn từ của nhà văn, bước tranh cuộc sống, con người lại hiện lên những dáng vẻ khác nhau, quen mà lạ, gần mà xa. Dù là gì thì “Văn chương luôn là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo, vừa thay đổi thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam). Để thực hiện được chức năng cao đẹp đó, tác phẩm cần là những lát cắt của cuộc sống, xoáy sâu vào cuộc đời bằng cách xây dựng được những chi tiết đắt giá, dồn nén về cảm xúc lẫn tư tưởng vô tận về ý nghĩa nhân sinh. Những khoảnh khắc ngắn ngủi trong tác phẩm luôn là sự dồn nén của cảm xúc, chất chứa nhiều ý nghĩa, khơi gợi nơi người đọc những cảm xúc thẩm mĩ, phát huy sự đồng sáng tạo trong khi đọc. Khoảnh khắc vô tận chính là chiều sâu giá trị nhân đạo của tác phẩm văn học chân chính.

Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn. Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm. Nó có thể là lời nói, tâm trạng, hành động, cử chỉ, bước đi của nhân vật. Khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ là một chi tiết đáng nhớ, tuy ngắn ngủi về thời gian vật lí nhưng vô tận về ý nghĩa nhân sinh. Đọc Vợ chồng A Phủ, ta không thể nào quên một bức tranh ảm đạm về cuộc sống, số phận thống khổ của những người dân Tây Bắc. Họ bị áp bức bóc lột cả thể xác và tâm hồn, họ bị giam cầm bằng cả cường quyền, thần quyền và tiền quyền. Những tưởng, cuộc sống của Mị sẽ vĩnh viễn khép lại trong cùng quẫn, bế tắc nhưng Tô Hoài đã luôn có thiên hướng khám phá “con người trong con người”. Hóa ra trong cõi sâu tâm hồn người Tây Bắc vẫn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng và sức phản kháng mãnh liệt. Nếu trong đêm tình mùa xuân, dưới sự tác động của ngoại cảnh sức sống của Mị đã trỗi dậy mạnh mẽ để tạo động lực để giúp Mị có hành động phản kháng mạnh mẽ trong đêm mùa đông là cắt dây cởi trói cho A Phủ, thì hành động Mị vụt chạy khỏi Hồng Ngài là kết quả tất yếu của sự nhận thức thấu đáo về tội ác và về số phận của chính mình. Mị vụt chạy theo A Phủ vô tận về ý nghĩa nhân sinh bởi ta thấy được Mị đã tìm lại được chính mình với một cô Mị luôn khát khao tự do, tình yêu, hạnh phúc thì không có lí gì mãi cam chịu, chấp nhận đầu hàng nhà thống lí. Có hành động này là bởi cô nhận thức được tội ác của nhà thống lí “Ở đây thì chết mất”. Hành động này là hành động đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ, sức phản kháng mãnh liệt. Hành động này là kết quả của quá trình đấu tranh âm thầm, dồn nén để đi đến bứt phá. Nếu Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ là đã cắt đứt đoạn đời, đoạn tuyệt với quá khứ bi thương ở nhà thống lí Pá Tra thì hành động vụt chạy theo A Phủ chính là việc bỏ lại sau lưng những tối tăm để hướng tới một tương lai mới, cuộc sống mới. Từ đây, Mị đã không còn cần mượn rượu, mượn tiếng sáo để được tự do mà là tự do thật sự với con đường mới tự do rộng thênh thang. Xét về ý nghĩa xã hội, hành động vụt chạy ra ngoài trời tối của Mị trong Vợ chồng A Phủ hay của chị Dậu trong Tắt đèn đều là những hành động phản kháng tự phát nhưng xét về ý nghĩa nhân sinh thì nó có điểm khác nhau. Cái kết của Tắt đèn dừng lại ở “chị chạy ra ngoài trời tối đen như mực như cái tiền đồ của chị”, còn Mị, sau khi chạy khỏi Hồng Ngài đã đến Phiềng Sa với cuộc sống nên vợ nên chồng, có ánh sáng cách mạng soi đường chỉ lối. Có thể nói, đây là giá trị nhân đạo mới mẻ trong ngòi bút Tô Hoài nói riêng và các nhà văn sau cách mạng nói chung. Để cho nhân vật vụt chạy để tìm đường sống, Tô Hoài không chỉ phát hiện khả năng phản kháng mãnh liệt của con người, sức sống không bao giờ tắt nơi con người mà còn đặt trọn vẹn niềm tin vào khả năng tự giải phóng số phận, vào khát vọng sống, khát vọng tự do của con người. Khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ trong đêm mùa đông để lại bao nhiêu cảm xúc nơi độc giả. Ta đã căm tức biết bao khi chứng kiến sự chà đạp tàn bạo của nhà thống lí lên cuộc đời Mị, ta đã chua xót biết bao khi nhìn những nắm tóc của Mị bị cột vào cột nhà và khi chứng kiến giây phút này, ta hoàn toàn đồng tình, hả hê. Vì tất cả những ý nghĩa tốt đẹp ấy, chi tiết còn mãi ám ảnh không nguôi.

Nếu Tô Hoài vượt núi cao, lội đèo sâu để đi tìm khoảnh khắc vô tận thì Kim Lân – nhà văn của nông thôn và người nông dân lại tìm về với làng quê, với xóm ngụ cư trong những ngày đói kém để kiếm tìm sự vô tận về ý nghĩa nhân sinh ẩn trong những khoảnh khắc thường ngày. Đó là khoảnh khắc Tràng tặc lưỡi “chậc, kệ!” đón thị về để tìm hạnh phúc trong Vợ nhặt. Câu nói trong khoảnh khắc nhưng là sự thỏa hiệp với thực tại phủ sống chết. Chỉ bốn bát bánh đúc, Tràng đã đi đến quyết định rước thị về trong sự bất ngờ nhưng cũng đầy lo lắng, bâng khuâng. Lo âu là điều đương nhiên bởi giữa nạn đói lịch sử ấy, chuyện đòi bòng chẳng ai ưng. Nhưng hằn sâu bên trong cái tặc lưỡi “chậc, kệ!” ấy là một ngọn lửa khát khao hạnh phúc đang âm ỉ cháy bất chấp tiếng quạ kêu, tiếng hờ khóc của những nhà có người chết. Cái tặc lưỡi có vẻ bồng bột, xốc nổi ấy thực chất lại chứa biết bao điều. Dù Tràng thô kệch nhưng anh vẫn là người lương thiện, nhân hậu. Bên cạnh khát khao hạnh phúc lứa đôi là vẻ đẹp ẩn chứa tình người đùm bọc, cưu mang nhau giữa nạn đói. Chỉ một chi tiết nhỏ, chỉ một khoảnh khắc thật ngắn ngủi nhưng Kim Lân đã lột tả hết vẻ đẹp tiềm ẩn của người nông dân bao đời. Chính trong đói nghèo, khổ cực, người dân quê như Tràng vẫn luôn có niềm tin vào cuộc sống, luôn muốn sống cho ra người. Chính điều này, khi đọc Vợ nhặt ta có cười anh cu Tràng nhưng ta vẫn mến phục ở vẻ đẹp thiện lương nơi anh.

Tuy hai tác phẩm khác nhau về hoàn cảnh ra đời, về phong cách của hai nhà văn nhưng dường như “những khoảnh khắc ngắn ngủi về thời gian vật lí và vô tận về ý nghĩa nhân sinh” lại là điểm gặp gỡ tương đồng. Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn là vì thế. Cả Mị và Tràng trong những khoảnh khắc ấy đều rất người, rất nhân sinh. Tô Hoài và Kim Lân đã luôn đề cao nhân cách con người, đề cao khát vọng được sống, khát vọng được hạnh phúc và hướng những nhân vật của mình đến ánh sang, đến tương lai tươi sáng. Giá trị nhân đạo cao cả của Vợ chồng A PhủVợ nhặt cũng vì thế được tôn vinh.

Tác phẩm văn học chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối. Nó luôn khát khao tìm tri âm, tìm sự đồng sáng tạo trong tiếp nhận của người đọc. Để tôn vinh những tác phẩm chân chính, phục vụ con người, vì cuộc đời thì trước hết những người đọc thông minh bao giờ cũng có cách vén mở tác phẩm mình thích từ những chi tiết mang tính kí hiệu, biểu tượng. Bởi tác phẩm văn học luôn ngắn ngủi về thời gian vật lí nhưng vô tận về ý nghĩa nhân sinh.

(Nguyễn Thị Ngọc Ánh, 12B5 THPT Nam Đông, Thừa Thiên Huế)

Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết kèm mẫu bài văn cảm nhận về hai khoảnh khắc vô tận trong Vợ chồng A PhủVợ nhặt. Hi vọng các bạn đã có những cơ sở luận điểm vững chắc để triển khai thành một bài viết hoàn chỉnh với đề bài này. Chúc các bạn làm bài tốt !

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 12 hay nhất / THPT Ngô Thì Nhậm


Hướng dẫn làm bài văn cảm nhận về hai khoảnh khắc vô tận: Mị vụt chạy theo A Phủ tìm đường sống (Vợ chồng A Phủ) và Tràng tặc lưỡi đưa thị về nhà tìm hạnh phúc (Vợ Nhặt).

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button