Các bài văn mẫu 6 cảm nhận của em về hình ảnh người cha trong bài thơ Mưa nói riêng, cảm nhận của em về hình ảnh con người lớn lao trong bài thơ Mưa nói chung…
Đề bài
Cảm nhận của em về hình ảnh con người trong bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa
Cảm nhận của em về hình ảnh người cha và con người trong bài thơ Mưa
Bài làm Cảm nhận về hình ảnh con người trong bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa
Bài mẫu 1
Cảm nhận của em về hình ảnh con người – người bố vĩ đại trong bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa
Bài thơ “Mưa” của Trần Đăng Khoa là bài thơ tả cảnh độc đáo. Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh vạn vật đất trời bị biến đổi bởi cơn mưa rào bất chợt. Và nổi bật trên cái phông nền nghiêng ngả vì mưa của hài thơ, hình ảnh con người hiện lên thật đẹp.
Hình ảnh con người trong bài thơ được thể hiện qua hình ảnh “Bố em đi cày về” xuất hiện ở phía cuối bài thơ:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa
“Bố em” chỉ là một người nông dân bỗng nhiên trở nên lớn lao khác thường. Ông “Đội sấm”, “đội chớp”, “đội cả trời mưa”. Ba ý thơ được tách riêng thành ba dòng, điệp từ “đội” được lặp lại ba lần, điều đó vừa thể hiện cái dữ dội của trời mưa vừa bộc lộ tư thế hiên ngang của người cha. Ông đi cày về, trên vai còn vác chiếc cày, bàn tay còn dắt con trâu; hình ảnh ấy bước ra từ cái dữ dội, ì ầm đáng sợ của cơn mưa rào. Đó là hình ảnh người nông dân có tầm vóc lớn lao, tư thế vững vàng, hiên ngang như một vị thần đội trời đạp đất có sức mạnh có thể sánh với thiên nhiên. Trong con mắt nhìn của một em bé chín tuổi, người cha đi cày quả là hình ảnh của một tráng sĩ có vẻ đẹp lớn lao, kỳ vĩ.
Người bố trong bài thơ “Mưa” còn là đại diện cho hình ảnh con người trước sự dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên. Cơn mưa ập xuống, tất cả vạn vật biến đổi: mía nghiêng ngả, kiến rời tổ, mối vỡ tổ,… Chỉ duy con người vẫn vững vàng với công việc khai thác, chinh phục tự nhiên, bắt tự nhiên phải phục vụ mình (đi cày).
Hình ảnh con người trong bài thơ thật kiêu hãnh!
Bài mẫu 2
Cảm nhận của em về hình ảnh con người trong bài thơ Mưa và lòng biết ơn của tác giả Trần Đăng Khoa
Cuối bài thơ “Mưa” của Trần Đăng Khoa, chúng ta mới thấy xuất hiện hình ảnh con người. Một hình ảnh rất quen thuộc ở làng quê xưa nay:
“Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa…”
Mọi thứ của vũ trụ như sấm chóp, mưa đều “đội” lên đầu “bố em”.Chữ “đội” được điệp lại 3 lần, không chỉ cực tả sự vất vã dãi nắng dầm mưa của “bố em”, của người dân cày Việt Nam xưa nay mà còn mang hàm nghĩa, người nông dân cày cấy trong bom đạn chiến tranh, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Sau vần thơ là lòng biết ơn, kính yêu của bé Khoa. Đọc bài thơ “Hạt gạo làng ta”, ta biết thêm hình ảnh người mẹ, người chị sau lũy tre xanh đã chân lấm tay bùn, hai sương một nắng… để làm nên “hạt vàng làng ta” gửi ra chiến trường:
… “Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…”
“Mưa”là một bài thơ hay. Thế giới thiên nhiên trong cơn mưa rào ở làng quê được cảm nhận và miêu tả tinh tế. Các câu thơ ngắn 1, 2, 3… chữ đan cài vào nhau, kết hợp với vần chân đã tạo nên nhạc điệu thơ, gợi tả tiếng mưa rơi, nghe rất vui. Phép nhân hóa và nghệ thuật sử dụng các từ láy (rối rít, cuồn cuộn, tần ngần, đu đưa, trọc lốc, khô khốc, khanh khách, ù ù, lộp bộp, chồm chồm, hả hê) đã tạo nên những vần thơ, những hình ảnh hồn nhiên, ngộ nghĩnh, thi vị. “Mưa” là một bài thơ đặc sắc của tuổi thơ và tâm hồn tuổi thơ.
—————————————
Hy vọng tuyển chọn những bài văn mẫu cảm nhận của em về hình ảnh con người trong bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa do Đọc Tài Liệu biên soạn trên đây, cùng các bài văn mẫu 6 sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài văn phân tích tác phẩm Mưa, cảm nhận về hình ảnh trong bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa.