Giáo dục

Tuyển chọn mở bài Sóng của Xuân Quỳnh hay và chi tiết nhất

Mở bài Sóng của Xuân Quỳnh – THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp những mẫu mở bài Sóng hay và độc đáo nhất giúp đạt điểm cao trong các bài thi và kiểm tra.

Trước tiên, để có một phần mở bài Sóng hay và đủ ý, các em cần nắm rõ những thông tin chính về tác giả, tác phẩm như sau:

Giới thiệu về tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng

* Tác giả Xuân Quỳnh

Bạn đang xem: Tuyển chọn mở bài Sóng của Xuân Quỳnh hay và chi tiết nhất

– Xuân Quỳnh (1942 – 1988), là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kỹ kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh thể hiện trái tim phụ nữ đôn hậu, chân thành, giàu đức hy sinh và lòng vị tha. Trong thơ Xuân Quỳnh, khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt luôn gắn liền với những dự cảm lo âu.

– Xuân Quỳnh là một phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong cuộc đời, là một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm, nhân hậu, một nghệ sỹ tài năng, một con người giàu nghị lực để có thể vượt lên những gian truân, thử thách trong cuộc đời.

– Đặc điểm hồn thơ: tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khát khao hạnh phúc đời thường, bình dị, nhiều âu lo, day dứt, trăn trở trong tình yêu.

* Bài thơ “Sóng”

Hoàn cảnh sáng tác Sóng

– Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền. Trước khi Sóng ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu. Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).

Một số đặc điểm nổi bật về âm điệu, nhịp điệu của bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh

– Âm điệu của bài thơ Sóng là âm điệu, của những con sóng ngoài biển khơi, lúc ào ạt, dữ dội lúc nhẹ nhàng, khoan thai. Âm điệu đó được tạo nên bởi: Thể ngũ ngôn với những câu thơ được ngắt nhịp linh hoạt.

– Bài thơ có hai hình tượng là “sóng” và “em” – lúc phân tách, soi chiếu vào nhau, lúc nhập hòa làm một trong một cái tôi trữ tình duy nhất là Xuân Quỳnh.

Tham khảo thêm: Soạn bài Sóng chi tiết và đầy đủ nhất

Top 8 mở bài Sóng Xuân Quỳnh hay và độc đáo nhất

Một số mẫu mở bài cho các đề tài phân tích và cảm nhận về bài thơ Sóng:

Mẫu mở bài 1

Mở bài Sóng ngắn gọn và vào đề dễ dàng đạt trọn điểm

Xuân Quỳnh là một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là một tiếng thơ trẻ trung, tươi mát, đầy nữ tính. Đặc điểm đặc sắc trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh là: vừa khát khao một tình yêu lí tưởng, vừa hướng tới hạnh phúc thiết thực của đời thường. Tất cả những điều ấy được thể hiện trong một hồn thơ giản dị, tự nhiên và hồn nhiên. Có thể nói, cùng với “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, bài thơ “Sóng” đã kết tinh được tất cả những gì là sở trường nhất của hồn thơ Xuân Quỳnh.

Mẫu mở bài 2

Mở bài Sóng mở rộng và dẫn dắt vấn đề hay nhất

“Sóng rì rào hỏi những chuyện đã qua

Đứng trước biển em trở thành bé nhỏ

Biển biết không… ngàn nỗi đau giằng xé

Khi con thuyền chẳng cập bến tình yêu”

Vâng! Chẳng biết tự bao giờ những con sóng từ biển khơi lại vỗ dồn dập vào trái tim của mỗi người nghệ sĩ. Và cũng chẳng biết tự khi nào giữa con sóng và tình yêu lại có mối quan hệ mật thiết với nhau! Chắc có lẽ là do nét đẹp tiềm tàng của con sóng giống với vẻ đẹp bí ẩn của tình yêu nên đã làm cho các nhà văn nhà thơ phải bâng khuâng trong tư tưởng. Trong đó có Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh là một ” nữ hoàng thơ tình” trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ của bà là tiếng nói tấm lòng của một người phụ nữ trong tình yêu: hồn nhiên, chân thành nhưng cũng giàu trắc ẩn và luôn khát khao một hạnh phúc bình dị đời thường. Và bài thơ “Sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ, bày tỏ quan điểm của tác giả về tình yêu vĩnh hằng qua hình tượng con sóng biển.

Mẫu mở bài 3

“Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968 của nữ nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.

Mở bài Sóng khổ 1, 2

Mẫu 1:

Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ trẻ xuất sắc trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ và là một trong số ít những nhà thơ nữ viết rất nhiều và rất thành công về đề tài tình yêu. Một trong những thành công xuất sắc về đề tài này của nữ sĩ là bài thơ “Sóng”, hai khổ thơ đầu bài thơ tác giả  viết: (trích dẫn thơ)

Mẫu 2:

Từ xa xưa, tình yêu luôn là điều bí ẩn đối với con người. Có lẽ cũng vì thế mà mỗi nhà thơ đều có cách lí giải và cảm nhận riêng về tình yêu. Ta bắt gặp một Xuân Diệu  say đắm, nồng nàn, khao khát được yêu đương mãnh liệt, một Nguyễn Bính chân chất của tình yêu đồng nội, gần gũi với thôn quê. Và có lẽ chắc chắn người đọc sẽ không quên được  Xuân Quỳnh với nhiều trạng thái cảm xúc vừa gần gũi, giản dị, vừa ồn ào, mãnh liệt. Bài thơ “sóng” là tiếng lòng chân chất, mộc mạc và cũng đầy những bất an về tình yêu đôi lứa.. Bài thơ mở đầu bằng những cảm xúc khi yêu:(trích dẫn thơ)

Mở bài Sóng khổ 5, 6

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng, xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cũng là gương mặt đáng chú ý của nền thơ Việt Nam hiện đại. Bản sắc thơ Xuân Quỳnh tươi tắn, hồn hậu và nồng nhiệt. Nó là tiếng lòng của một tâm hồn gắn bó thiết tha với cuộc đời, con người, khao khát tình yêu và hạnh phúc bình dị đời thường. Vì thế, thơ tình yêu là một mảng đặc sắc của Xuân Quỳnh. Sinh thời Xuân Quỳnh đã có một số bài thơ tình xuất sắc như: Thơ tình cuối mùa thu, Tự hát, Thuyền và biển… Trong đó, bài thơ “Sóng” được xem là nổi bật hơn cả. Bài thơ này là tiếng thơ bày tỏ trực tiếp những khát khao sôi nổi, mãnh liệt mà chân thành, tự nhiên của một trái tim phụ nữ trong tình yêu. Hình tượng “sóng” trong bài thơ đã thể hiện thật sinh động và hấp dẫn tâm trạng của người con gái đang yêu, bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: (trích dẫn thơ).

Mở bài cho hình tượng sóng

Thế giới hình tượng trong thơ Xuân Quỳnh không chỉ đa dạng và phong phú phong phú, mà còn rất gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Hồn thơ ấy đã đưa vào trang thơ của mình nét dân dã của cuộc sống, đó là ao bèo, là chùm hoa xoan tím ngắt gắn liền với ký ức tuổi thơ của Xuân Quỳnh … Đó là những con sóng tràn bờ, để mãi ngân vang lên bản tình ca mà gần như suốt một đời chị đã Tự hát về thân phận của mình. Sóng là bài thơ tình hay nhất của nhà thơ, viết năm 1967 in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Nổi bật trong trang thơ là hình tượng sóng. Là biểu tượng về tình yêu, về hạnh phúc; về cả sự tan vỡ và lo âu cùng một khát vọng dâng hiến trọn vẹn trái tim mình.

>> Xem thêm vãn mẫu phân tích hình tượng sóng đặc sắc.

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp

Mở bài Sóng thầy Nhật gợi ý

Mở bài Sóng hay của thầy Nhật mẫu 1

Từ ngàn xưa đến nay, tình yêu là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhiều người nghệ sĩ đã dùng bút lực của mình để lí giải tình yêu nhưng chẳng ai cắt nghĩa trọn vẹn hai mĩ từ ấy. Nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Đến Xuân Diệu cũng bất lực trong câu hỏi “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”, Hàn Mạc Tử cũng phải “nghe trời giải nghĩa yêu”. Nhắc đến thi ca viết về tình yêu, ta không thể không nhắc đến “Sóng” của Xuân Quỳnh. “Sóng” là nơi gửi gắm những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm hồn người thiếu nữ khi nói về tình yêu với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.

Mở bài Sóng thầy Nhật mẫu 2

Từ trước đến nay, tình yêu luôn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Xuân Diệu đã từng viết:

“Làm sao sống được mà ko yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào”

(Bài thơ tuổi nhỏ – Xuân Diệu)

Đó cũng là lý do tình yêu được đưa rất nhiều vào trong thơ ca và nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận với nhiều thi nhân. Có rất nhiều những nhà thơ, nhà văn từng viết về tình yêu nhưng có lẽ sâu sắc nhất phải kể đến 2 cây bút thơ tình xuất sắc của nền văn học Việt Nam, đó là Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Nếu như Xuân Diệu từng làm mưa làm gió khiến người đọc nhớ mãi khi đặt tất cả dấu ấn tình yêu mãnh liệt của mình với “Biển” thì Xuân Quỳnh – một nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thể hiện tình cảm người con gái qua hình ảnh “Sóng”. Khi nhắc đến tên tuổi của Xuân Quỳnh, từ trong tiềm thức của mỗi người yêu văn chương đều biết tiếng thơ chị là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm và tha thiết khát vọng hạnh phúc đời thường. Một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của Xuân Quỳnh phải kể đến tập “Hoa dọc chiến hào” với linh hồn là bài thơ “Sóng” được tác giả viết nhân một chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền năm 1967.

Nguồn: Facebook Thầy Nhật dạy văn.

Xem thêm: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Vậy là THPT Ngô Thì Nhậm đã vừa tổng hợp gửi đến các em tham khảo 5 mẫu mở bài Sóng khá hay và độc đáo giúp vào đề dễ dàng và mang lại điểm cao cho phần mở bài khi phân tích bài thơ Sóng. Chúc các em có một mở bài hay, hấp dẫn và đạt kết quả cao !


Tuyển tập những mở bài Sóng hay nhất để các em tham khảo và dành trọn điểm phần mở bài đối với đề tài liên quan tới bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button