Lớp 12

Các đề đọc hiểu Tương tư của Nguyễn Bính

Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Tương tư của Nguyễn Bính để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về bài thơ này trong các kì thi em nhé!

     Tương tư là bài thơ viết về một tình yêu trong sáng, đơn phương và mạnh mẽ. Hồn quê Việt thấm đượm trong từng dòng thơ, thể hiện tình cảm chân thành của nhà thơ đối với những nét đẹp văn hóa dân gian. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến bài thơ, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo soạn bài Tương tư – Nguyễn Bính cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Đề đọc hiểu Tương tư – Nguyễn Bính

Đề số 1

Câu hỏi đọc hiểu về bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính (SGK Ngữ văn 11 – Bài đọc thêm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người.

Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

(Tương tư, Nguyễn Bính )

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ. Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của nhân vật trữ tình?

Câu 2. Phân tích hiệu quả sử dụng biện pháp tu từ trong hai câu thơ đầu của đoạn thơ.

Câu 3. Những yếu tố nào trong đoạn thơ thể hiện chất dân gian trong thơ Nguyễn Bính?

Đáp án đề đọc hiểu Tương tư số 1

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên là: biểu cảm

– Đoạn thơ thể hiện: tâm trạng tương tư – nhớ nhung của nhân vật trữ tình.

Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ đầu của đoạn thơ là hoán dụ: Dùng địa danh để chỉ người sống trên địa danh đó: Thôn Đoài – Thôn Đông.

– Hiệu quả sử dụng của biện pháp tu từ đó là:

  • Cách biểu đạt tình cảm kín đáo, ý nhị.
  • Tạo ra 2 nỗi nhớ song hành, chuyển hóa: người nhớ người, thôn nhớ thôn; biểu đạt được qui luật tâm lí: khi tương tư thì cả không gian sinh tồn xung quanh chủ thể cũng nhuốm nỗi tương tư.

Câu 3: Những yếu tố trong đoạn thơ thể hiện chất dân gian trong thơ Nguyễn Bính là:

  • Nội dung: Tâm trạng tương tư – đề tài quen thuộc xuất hiện nhiều trong ca dao, dân ca.
  • Hình thức: Thể thơ lục bát; địa danh, nghệ thuật hoán dụ, thành ngữ, cách nói vòng, giọng điệu tâm tình ngọt ngào thường thấy trong ca dao…

Có thể bạn quan tâm: Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư

Đề số 2

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang lại chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi

Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho ?

Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Câu 1: Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ nào? Giới thiệu đôi nét về tác giả bài thơ

Câu 2: Đại ý của đoạn thơ trên?

Câu 3: Từ “lại” ở 4 câu thơ đầu trong đoạn trích có tác dụng gì?

Câu 4: Biện pháp tu từ được sử dụng trong 6 câu thơ tiếp theo từ “Bảo rằng cách trở đò giang…” đến “Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?” là gì? Từ “xa xôi” ở đây có ý nghĩa gì?

Đáp án đề đọc hiểu Tương tư số 2

Câu 1: Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính.

– Đôi nét về tác giả:

  • Nguyễn Bính (1918 – 1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
  • Thơ Nguyễn Bính với lối ví von mộc mạc mà duyên dáng mang phong vị dân gian đã đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và tình người đằm thắm, thiết tha.
  • Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Câu 2: Đại ý của đọan thơ: Nhấn mạnh nỗi tương tư và sự chờ đợi, mong ngóng của người tương tư. Trong sự mong ngóng ấy có dự cảm về sự chông chênh của mối tình.

Câu 3: Từ “lại” ở 4 câu thơ đầu trong đoạn trích có tác dụng là: Cách bắt nhịp ngày qua ngày/ lại qua ngày (3/3) đã biến tiếng “lại” thành điểm nhấn của ngữ điệu. Nó diễn tả bước đi của thời gian rất chậm chạp. Ngày mới chỉ diễn lại như ngày cũ chán ngán, vô vọng. Giọng thơ than thở đến ngán ngẩm. Nó biểu hiện tâm trạng nóng lòng chờ mong đến mỏi mòn.

Câu 4: Biện pháp tu từ được sử dụng trong 6 câu thơ tiếp theo là: điệp từ. Biện pháp điệp làm cho tình và cảnh quyện vào với nhau.

– Từ “xa xôi” ở đây có ý nghĩa là: hai tiếng “xa xôi” được sử dụng với ý nghĩa khác nhau. Nó có sự đối lập; khoảng cách gần nhau chỉ là bên này, bên ấy, nhưng tình cảm lại xa xôi. Trách móc đấy.

Đề số 3

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 3:

“Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”

(Tương tư – Nguyễn Bính)

Câu 1: Đoạn thơ trên thể hiện nội dung gì?

Câu 2: Những biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn thơ? Nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 3: Từ nội dung đoạn thơ trên anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về tình bạn, tình yêu tuổi học đường?

Gợi ý thêm cho bạn: Phân tích 4 câu thơ cuối bài thơ Tương tư

Đáp án đề đọc hiểu Tương tư số 3

Câu 1: Nội dung của đoạn thơ trên là: Nỗi khát khao tình yêu hạnh phúc của lứa đôi. Một tình yêu đằm thắm, chân quê.

Câu 2: Những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là: Điệp từ, điệp ngữ, ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ.

– Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó là:

  • Cách biểu đạt tình cảm kín đáo, ý nhị .
  • Tạo ra 2 nỗi nhớ song hành, chuyển hóa: người nhớ người, thôn nhớ thôn; biểu đạt được qui luật tâm lí: khi tương tư thì cả không gian sinh tồn xung quanh chủ thể cũng nhuốm nỗi tương tư.

Câu 3: Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về tình bạn, tình yêu tuổi học đường.

Gợi ý làm bài: Học sinh có thể dựa vào những ý chính sau để viết bài:

– Tình bạn tuổi học trò

  • Tình bạn tuổi học đường không thể thiếu
  • Ý nghĩa và sức mạnh của tình bạn
  • Vấn đề chọn bạn và phát triển tình bạn
  • Bác bỏ việc chọn bạn tràn lan

– Tình yêu học đường

  • Con đường từ tình bạn tới tình yêu không phải là tất yếu, cần phải nuôi dưỡng tình bạn trong sáng…

– Hệ quả của tình yêu

  • Chưa phát triển về cả tinh thần lẫn thể chất, bi kịch nhẹ là sa sút học tập; nặng thì trả giá khôn lường. Vì thế phải vượt lên chính mình.
  • Rút ra bài học cho chính bản thân mình.

Trên đây là một số đề đọc hiểu Tương tư của Nguyễn Bính mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tác phẩm này tại nhà!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button