Tổng hợp

Bố mẹ là quân nhân, hạ sỹ quan thì con có được miễn học phí không?

 

Khái quát về chính sách miễn học phí? Bố mẹ là quân nhân, hạ sỹ quan thì con có được miễn học phí?

Học phí đang là mối quan tâm và lo ngại của một bộ phận học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục quốc dân. Điều này xuất phát từ sự phát triển của kinh tế- xã hội dẫn đến những điều chỉnh trong học phí, trong khi đó, một số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt đang trong độ tuổi được đến trường lại không theo kịp sự phát triển đó để “gánh” được số học phí đó. Từ đó, chính sách miễn học phí được ra đời và được xem là công cụ chia sẻ gánh nặng và là sự quan tâm sâu sắc của nhà nước tới các chủ thể đặc biệt. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, THPT Ngô Thì Nhậm có nhân được câu hỏi rằng: Bố mẹ là quân nhân, hạ sỹ quan thì con có được miễn học phí hay không?. Để trả lời cho câu hỏi này, thì phải trả lời cho câu hỏi: Con của quân nhân, hạ sỹ quan có phải là đối tượng “đặc biệt” được ghi nhận trong các văn bản pháp lý là chủ thể được miễn học phí hay không?

Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7:

Cơ sở pháp lý:

– Luật Giáo dục năm 2019.

– Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

– Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

1. Khái quát về chính sách miễn học phí?

Khái niệm về học phí được quy định khá cụ thể trong các văn bản pháp luật, theo đó, tại Khoản 1, Điều 99, Luật Giáo dục: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo.”. Khái niệm này cũng một lần nữa được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 2, Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Theo Marcucci và Usher, 2012, chính sách miễn học phí: sinh viên đi học không phải nộp học phí. Chi phí giáo dục đại học được Nhà nước chi trả bằng nguồn thu thuế của người dân.

Trong các bài viết khác của THPT Ngô Thì Nhậm về chính sách miễn học phí, chúng tôi đều thống nhất đưa ra khái niệm miễn học phí là chính sách áp dụng đối với một số đối tượng đặc biệt, là số tiền mà nhà nước hỗ trợ chi trả cho người học chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo.

2. Bố mẹ là quân nhân, hạ sỹ quan thì con có được miễn học phí?

Trả lời cho câu hỏi: Bố mẹ là quân nhân, hạ sỹ quan thì con có được miễn học phí? tác giải lần lượt xác định các vấn đề như sau:

Về căn cứ pháp lý.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 15 về đối tượng được miễn học phí, Nghị định 81/2021/NĐ-CP có nêu rõ: “Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sỹ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sỹ quan, binh sĩ tại ngũ.

Dẫn chiếu ngược lại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP có ghi nhận: “Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.” (Nghị định 86/2015/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định 81/2021/NĐ-CP).

Giải thích về quân nhân, hạ sĩ quan, binh sĩ.

Quân nhân là thuật ngữ được dùng để chỉ những người hoạt động trong các đơn vị thuộc quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm quân nhân dự bị và quân nhân tại ngũ, trong đó quân nhân tại ngũ gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (Khoản 1, Điều 3, Nghị định 28/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân). Như vậy, hạ sỹ quan là quân nhân.

Giải thích về hạ sĩ quan, binh sĩ, thì có thể hiểu: Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển; Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. (Khoản 5, Khoản 6 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015).

Giải thích về đối tượng được miễn học phí.

Dựa vào phần căn cứ pháp lý, có thể nhận thấy, đối tượng được miễn học phí ở đây là con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp của hạ sỹ quan và binh sĩ. Trong đó, con đẻ được hiểu là con có chung huyết thống với hạ sỹ quan, binh sỹ; còn con nuôi hợp pháp là con nuôi được xác lập quan hệ cha mẹ và con theo đúng quy định của luật nuôi con nuôi. Việc xác định cả con nuôi, con đẻ đều được miễn học phí cũng là một phần trong quan điểm bình đẳng giữa các con trong một gia đình và cũng không tạo ra ranh giới, phân biệt giữa con đẻ và con nuôi.

Điều kiện để được miễn học phí.

Việc áp dụng chính sách miễn học phí chỉ áp dụng đối với:

– Trẻ em mầm non: trẻ em mầm non là trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi được học tại các cơ sở giáo dục mầm non.

– Học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông. Cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; Trung tâm học tập cộng đồng; Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.

Nhận định: Trên cơ sở phân tích quy định của pháp luật, tác giả khẳng định rằng: Bố mẹ là hạ sĩ quan, binh sĩ thì con là trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông sẽ được miễn học phí.

Hồ sơ đề nghị miễn học phí: (chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ nộp lần đầu cho cả thời gian học tập)- Khoản 1, Điều 19, Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

– Đơn đề nghị miễn học phí.

– Bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc giấy chứng nhận đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí theo quy định tại Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định này.

Nhìn chung, hồ sơ đề nghị miễn học phí khá đơn giản và có thể chuẩn bị nhanh chóng.

Trình tự thực hiện. (Khoản 2, 3Điều 19, Nghị định 81/2021/NĐ-CP)

– Trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày khai giảng năm học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên nộp hồ sơ tới cơ sở giáo dục theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc hệ thống giao dịch điện tử.

– Đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc phòng giáo dục đào tạo: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn học phí, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn học phí  gửi phòng giáo dục và đào tạo thẩm định.

– Đối với trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở giáo dục và Đào tạo: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn học phí, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn học phí gửi sở giáo dục và đào tạo thẩm định.

– Đối với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục: Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn đề nghị miễn học phí của người học, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tư thục có trách nhiệm cấp cho người học giấy xác nhận theo quy định của pháp luật.

Thực tế, trình tự thực hiện việc xét miễn học phí khá cụ thể, vai trò của Hiệu trưởng nhà trường được được chú trọng hơn cả, vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, Hiệu trưởng phải có dựa trên hồ sơ đề nghị để đưa ra những kết luận chính xác, khách quan và công bằng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Trên đây là những thông tin pháp lý mà THPT Ngô Thì Nhậm muốn mang đến cho người đọc, vấn đề mà tác giả muốn cung cấp không chỉ đơn thuần là việc trả lời chính xác câu hỏi đó là gì, mà còn muốn cung cấp sâu hơn về trình tự thực hiện, giúp cho người đọc là đối tượng được miễn học phí có thể nắm bắt và thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo vừa hợp pháp lại nhanh chóng, hiệu quả.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button