Giáo dụcLớp 12

5 đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt có đáp án chi tiết

Hồn Trương Ba, da hàng thịt đọc hiểu

5 Đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm chọn lọc từ các bài kiểm tra học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn tập thật tốt tại nhà, nắm vững kiến thức trước khi bước vào bài thi sắp tới. Các em hãy ôn luyện thật kỹ 5 đề Hồn Trương Ba, da hàng thịt đọc hiểu để trả lời đúng toàn bộ câu hỏi trong phần đọc hiểu nhé.

Đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Đề số 1

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các Câu:

HỒN TRƯƠNG BA: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được !

ĐẾ THÍCH: Sao thế ? Có gì không ổn đâu !

HỒN TRƯƠNG BA: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

ĐẾ THÍCH: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư ? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu !

HỒN TRƯƠNG BA: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết !…

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)

Câu 1: Hoàn cảnh nào dẫn đến đoạn hội thoại trên?

Lời giải:

Đoạn văn là đối thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích trong hoàn cảnh: Sau một thời gian sống trong thân xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba cảm thấy vô cùng đau khổ, bế tắc khi phải rơi vào bi kịch. Ông quyết định châm hương gọi Đế Thích để bày tỏ quan niệm sống của mình.

Câu 2: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.”

Các câu văn trong lời thoại trên, phân loại theo mục đích nói là kiểu câu gì, được dùng với mục đích nào?

Lời giải:

Các câu văn trong lời thoại trên, phân loại theo mục đích nói là kiểu câu tường thuật, được dùng với mục đích cầu khiến.

Câu 3: Hãy ghi lại 2 lời thoại trong đoạn trích trên thể hiện rõ nhất quan niệm của Hồn Trương Ba về ý nghĩa sự sống. Anh (chị) hiểu gì về quan niệm ấy?

Lời giải:

Ghi lại đúng 2 câu bày tỏ rõ nhất quan niệm của Hồn Trương Ba về ý nghĩa sự sống và hiểu đúng ý nghĩa của quan niệm ấy. Cụ thể :

–  Lời thoại Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn  có ý nghĩa  triết lí sâu sắc về sự sống: con người là một thể thống nhất, tâm hồn và thể xác phải hài hoà, được sống đúng là mình, sống thực với con người mình là một nhu cầu, một quyền lợi thiêng liêng, là khát vọng cao đẹp của con người.

– Lời thoại Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết: sống hay không sống không phải là vấn đề mà quan trọng là sống như thế nào, sống ra sao, sống có ý nghĩa hay không. Sống thực sự cho ra con người là điều không dễ dàng. Khi sống nhờ, sống gửi, sống không phải là mình thì cuộc sống ấy thật là vô nghĩa, còn khổ hơn là cái chết.

–  Hai lời thoại làm rõ tình cảnh trớ trêu, bi kịch của  hồnTrương Ba trong sự tự ý thức của nhân vật, góp phần tô đậm chủ đề tác phẩm: được sống làm người là quý giá nhưng được sống là chính mình, sống trọn vẹn, hài hòa giữa thể xác và tâm hồn còn quý giá hơn nhiều.

Câu 4: Trong những trường hợp sau đây đâu là biểu hiện của lối sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo?”

A.Trong thâm tâm, ta coi thường, khinh ghét một người nào đó nhưng buộc phải nói cười, vồn vã, tay bắt mặt mừng

B.Có khi bản tính mình sôi nổi, tinh nghịch nhưng buộc phải “đóng vai” hiền hậu, nết na

C. Khi đứng trước một sự việc, một hiện tượng – mình có cách nhìn nhận, đánh giá khác hẳn mọi người nhưng ngại va chạm này nọ nên đành tỏ thái độ đồng tình

D. Cả A, B, C.

Đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Đề số 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

(Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008, tr.149)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Thuộc thể loại nào? Giới thiệu vài nét về thể loại đó.

Lời giải:

Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

– Tác phẩm được viết theo thể loại kịch.

– Kịch là một trong ba phương thức phản ánh hiện thực bằng hình tượng (trữ tình, tự sự, kịch) và là một trong bốn loại thể cơ bản của văn học (thơ, kí, truyện, kịch).

=> Kịch phản ánh cuộc sống bằng việc khám phá, phát hiện những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống thực tại rồi diễn đạt bằng hành động và ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật

Câu 2. Thái độ của Hồn Trương Ba trước vấn đề Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. được thể hiện như thế nào? Nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Hồn Trương Ba.

Lời giải:

– Trước vấn đề Tôi muốn được là tôi toàn vẹn, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ. Trong lời thoại của Hồn Trương Ba, ta thấy lặp đi lặp lại điệp khúc phủ định lối sống vay mượn thân xác của người khác: không thể, không thể, không thể. Mặt khác, ông còn thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.

– Thái độ kiên quyết từ chối cảnh sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, sống nhờ thân xác của ngƣời khác cho thấy tâm hồn trong sạch, ngay thẳng, tự trọng của Hồn Trương Ba.

Câu 3: Chủ đề của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ

Lời giải:

Chủ đề của Hồn Trương Ba, da hàng thịt: Quan niệm cao đẹp về cách sống: Hãy sống chân thật với chính mình, phải biết đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

Câu 4: Theo anh/chị, con người ta cần phải sống như thế nào?

Lời giải:

Dựa vào hai quan điểm mấu chốt dưới đây để viết bài

– Cuộc sống của con người thật quý giá, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình muốn và theo đuổi còn quý giá hơn. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi người ta được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác.

– Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý: thể hiện qua cuộc đối thoại với xác hàng thịt

Đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Đề số 3

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hồn Trương Ba: (ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy) Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! (nhìn chân tay, thân thể) Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!

(Tới đây, bắt đầu lớp kịch “Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác”. Trên sân khấu, Hồn Trương Ba tách ra khỏi xác anh hàng thịt và hiện hình lờ mờ trong dáng nhân vật Trương Ba thật. Thân xác bằng thịt vẫn ngồi nguyên trên chõng và lúc này chỉ còn là thân xác.)

Xác hàng thịt: (bắt đầu) Vô ích, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác…

Hồn Trương Ba: A, mày cũng biết nói kia à? Vô lí, mày không thể biết nói! Mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù…

Xác hàng thịt: Có đấy! Xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy!

Hồn Trương Ba: Nói láo! Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!

Xác hàng thịt: Có thật thế không?

Hồn Trương Ba: Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt…

Xác hàng thịt: Tất nhiên, tất nhiên. Sao ông không kể tiếp: Khi ông ở bên nhà tôi… Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… Đêm hôm đó, suýt nữa thì…

Hồn Trương Ba: Im đi! Đấy là mày chứ, chân tay mày, hơi thở của mày…

Xác hàng thịt: Thì tôi có ghen đâu! Ai lại ghen với chính thân thể mình nhỉ! Tôi chỉ trách là sao đêm ấy ông lại tự dưng bỏ chạy, hoài của!… Này, nhưng ta nên thành thật với nhau một chút: Chẳng lẽ ông không xao xuyến chút gì à? Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao? Để thỏa mãn tôi, chẳng lẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì? Nào, hãy thành thật trả lời!

Hồn Trương Ba: Ta… ta… đã bảo mày im đi!

Xác hàng thịt: Rõ là ông không dám trả lời. Giấu ai chứ không thể giấu tôi được! Hai ta đã hòa với nhau làm một rồi!

Hồn Trương Ba: Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…

Xác hàng thịt: Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!

Hồn Trương Ba: (bịt tai lại) Ta không muốn nghe mày nữa!

Xác hàng thịt: (lắc đầu) Ông cứ việc bịt tai lại! Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu! Mà đáng lẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh. Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi không? Con giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi… Ha ha!

Hồn Trương Ba: Ta cần gì đến cái sức mạnh làm ta trở thành tàn bạo.

Xác hàng thịt: Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải qui phục! Đâu phải lỗi tại tôi… (buồn rầu) Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cũng đáng được quí trọng chứ! Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân… Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi… Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác… Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quí, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác… Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ!

Hồn Trương Ba: Nhưng… Nhưng…

Xác hàng thịt: Hãy công bằng hơn, ông Trương Ba ạ! Từ nãy tới giờ chỉ có ông nặng lời với tôi, chứ tôi thì vẫn nhã nhặn với ông đấy chứ. (thì thầm) Tôi rất biết cách chiều chuộng linh hồn.

Hồn Trương Ba: Chiều chuộng?

Xác hàng thịt: Chứ sao? Tôi thông cảm với những “trò chơi tâm hồn của ông”. Nghĩa là: Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà không phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: Cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện! Hà hà, miễn là… ông vẫn làm đủ mọi việc để thỏa mãn những thèm khát của tôi!

Hồn Trương Ba: Lí lẽ của anh thật ti tiện!

Xác hàng thịt: Ấy đấy, ông bắt đầu gọi tôi là anh rồi đấy! Có phải lí lẽ của tôi đâu, tôi chỉ nhắc lại những điều ông vẫn tự nói với mình và người khác đấy chứ! Đã bảo chúng ta tuy hai mà một!

Hồn Trương Ba: (như tuyệt vọng) Trời!

Xác hàng thịt: (an ủi) Ông đừng nên tự dằn vặt làm gì! Tôi đâu muốn làm khổ ông, bởi tôi cũng rất cần đến ông. Thôi, đừng cãi cọ nhau nữa! Chẳng còn cách nào khác đâu! Phải sống hòa thuận với nhau thôi! Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!

(Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008, tr.143-146)

Bạn đang xem: 5 đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt có đáp án chi tiết

Câu 1: Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? Giới thiệu vài nét về tác giả đó.

Lời giải:

Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt của nhà văn Lưu Quang Vũ.

– Giới thiệu đôi nét về tác giả:

Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ đa tài: Làm thơ, vẽ tranh, viết truyện, viết tiểu luận, nhưng thành công nhất là soạn kịch. Ông là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Kịch của Lưu Quang Vũ phản ánh nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống, đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước, góp phần đem đến cho sân khấu Việt Nam đương đại một sức sống mới. Các vở kịch của ông chủ yếu hấp dẫn người đọc, người xem không phải bằng xung đột xã hội gay gắt mà bằng xung đột trong cách sống và trong quan niệm sống, qua đó khẳng định khát vọng hoàn thiện cách sống, hoàn thiện con người.

Câu 2: Nêu chủ đề của đoạn trích.

Lời giải:

Chủ đề của đoạn trích: Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với xác hàng thịt về sức mạnh của hồn và xác.

Câu 3: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.

Lời giải:

Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Cơ sở xác định: Đoạn trích thể hiện rõ các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:

  • Tính hình tượng: Hiện lên trong đoạn trích là hai hình tượng nhân vật Hồn Trương Ba và xác hàng thịt với những lời nói, cử chỉ, tính cách, quan niệm sống cụ thể.
  • Tính truyền cảm: Đoạn trích mang đến người đọc nỗi buồn đau, thất vọng trước sự lấn lướt, thắng thế của cái dung tục với những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quí trong con người.
  • Tính cá thể hóa: Mỗi nhân vật (Hồn Trương Ba, xác hàng thịt) hiện lên với thông qua vẻ riêng trong lời nói của từng nhân vật. Hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ còn xác hàng thịt thì cười nhạo và không ngừng đưa ra những “lí lẽ ti tiện”

Câu 4: Phân tích bi kịch của Hồn Trương Ba khi ngụ trong xác anh hàng thịt.

Lời giải:

Bi kịch của Hồn Trương Ba khi ngụ trong xác hàng thịt:

  • Hồn Trương Ba phải sống trong một nghịch cảnh vô lí: linh hồn nhân hậu, trong sáng của Trương Ba phải trú nhờ trong thể xác của một anh hàng thịt thô phàm.
  • Linh Hồn Trương Ba phải sống mƣợn, gá lắp, tạm bợ và lệ thuộc nên bị xác thịt ấy điều khiển.
  • Linh Hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt.
  • Trương Ba đau khổ, dằn vặt và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác hàng thịt để tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào thân xác anh đồ tể nhưng lại bị xác anh đồ tể dồn vào thế đuối lí, ve vãn.
  • Trương Ba nổi giận, tỏ ra khinh bỉ, mắng mỏ những “lí lẽ ti tiện” của xác thịt nhưng đồng thời cũng ngậm ngùi thấm thía nghịch cảnh mà mình đã lâm vào, đành trở lại xác thịt trong tuyệt vọng.

Câu 5: Anh/chị đồng tình hay phản đối các lí lẽ của anh hàng thịt trong phần đoạn trích in đậm? Vì sao?

Lời giải:

Những lí lẽ của anh hàng thịt trong phần đoạn trích in đậm vừa xác đáng lại vừa không xác đáng:

  • Xác đáng: Trong mối quan hệ với linh hồn, thể xác có vai trò quan trọng. Thể xác “là cái bình chứa đựng linh hồn”, nhờ có thể xác mà linh hồn có thể tồn tại. Nhiều người có quan niệm sai lầm khi không đánh giá đúng vai trò của thể xác, coi thể xác là phần không cần được quan tâm, chăm chút, để thể xác nhếch nhác, khổ sở. Phần lí lẽ này có thể đồng tình.
  • Không xác đáng: Xác hàng thịt đã đề cao quá mức phần bản năng thô tục của mình (“Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ!”). Phần lí lẽ này cần phải bác bỏ

Đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Đề số 4

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Đế Thích: Ông Trương Ba… (đắn đo rất lâu rồi quyết định) Vì lòng quí mến ông, tôi sẽ làm cu Tị sống lại, dù có bị phạt nặng… Nhưng còn ông… rốt cuộc ông muốn nhập vào thân thể ai?

Hồn Trương Ba: (sau một hồi lâu): Tôi đã nghĩ kĩ… (nói chậm và khẽ) Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!

Đế Thích: Không thể được! Việc ông phải chết chỉ là một lầm lẫn của quan thiên đình. Cái sai ấy đã được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống.

Hồn Trương Ba: Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn…

Đế Thích: Không! Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào…

Hồn Trương Ba: Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa…

Đế Thích: Ông có biết ông quyết định điều gì không? Ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa.

Hồn Trương Ba: Tôi hiểu. Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi! Còn lấy lí lẽ gì khuyên thằng con tôi đi vào con đường ngay thẳng được? Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai? Họa chăng chỉ có lão lí trưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc! Đúng, chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc.

(Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008, tr.151-152)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Giới thiệu vài nét về vở kịch này.

Lời giải:

Giới thiệu vài nét về vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ:

– Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch đặc sắc nhất, gây được nhiều tiếng vang của Lưu Quang Vũ. Vở kịch được viết năm 1981, nhưng đến năm 1984 mới lần đầu ra mắt công chứng, đã được công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước.

– Tác phẩm này được Lưu Quang Vũ viết dựa trên một cốt truyện dân gian nhấn mạnh vào sự phản kháng của linh hồn nhân hậu, thanh cao chống lại sự lấn át và chế ngự của thể xác thô lỗ, phàm tục.

– Vở kịch gồm 7 cảnh và đoạn kết

Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích.

Lời giải:

Chủ đề của đoạn trích: Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích thể hiện thái độ kiên quyết lựa chọn cái chết để được trở lại là chính mình của Hồn Trương Ba

Câu 3. Vì sao Hồn Trương Ba lại quyết định “không muốn nhập vào hình thù ai nữa”? Quyết định đó cho thấy vẻ đẹp gì trong Hồn Trương Ba?

Lời giải:

– Dù rất ham sống (“Ông tưởng tôi không ham sống hay sao?”) nhưng Hồn Trương Ba lại quyết định “không muốn nhập vào hình thù ai nữa” vì hơn ai hết ông thấu hiểu nỗi khổ của bản thân mình khi phải nương nhờ vào thân xác của người khác. Ông cũng không muốn những người thân của mình phải khổ, phải liên lụy vì mình.

– Bằng cách từ bỏ cuộc sống vay mượn, Hồn Trương Ba đã chiến thắng sự dung tục, giả tạo, trở lại với bản nguyên trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao của mình (“tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”).

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với cách giải quyết của Hồn Trương Ba hay không? Vì sao?

Lời giải:

Cách giải quyết của Hồn Trương Ba là duy nhất đúng và toàn vẹn nhất dù cách đó có thể khiến Hồn Trương Ba vĩnh viễn rời xa cuộc đời này, thậm chí “cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa”. Vì chỉ khi “chết hẳn”, Hồn Trương Ba mới tìm lại được sự thanh thản, trong sáng; những người thân của Trương Ba cũng sẽ không còn phải khổ vì ông; thằng con của Trương Ba sẽ có cơ hội trở lại con đường ngay thẳng. Cho đến phút cuối cùng, Hồn Trương Ba vẫn rất nhân hậu, vị tha.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt đọc hiểu – 15 Câu hỏi

Câu 1: Nguyên nhân nào khiến Trương Ba chết?

Lời giải:

Do sự tắc trách của Nam Tào khiến Trương Ba bị chết nhầm.

Câu 2: Con hãy lựa chọn đáp án Đúng hoặc Sai

Vì muốn sửa sai, nên Nam Tào và Đế Thích cho Hồn Trương Ba nhập vào xác của cu Tị. Đúng hay sai?

Lời giải:

– Sai

– Vì muốn sửa sai, nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết.

Câu 3: Mở đầu đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Trương Ba đối thoại với ai?

Lời giải:

Mở đầu đoạn trích Hồn Trương Ba đối thoại với xác hàng thịt

Câu 4: Khi đối thoại với xác hàng thịt, Hồn Trương Ba có suy nghĩ như thế nào?

Lời giải:

Hồn Trương Ba cho rằng mình vẫn còn một đời sống nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

Câu 5: Trong cuộc đối thoại với xác hàng thịt, thái độ và hành động của Trương Ba có sự thay đổi như thế nào?

Lời giải:

Thái độ hồn Trương Ba: từ chối quả quyết, mạnh mẽ sang ấp úng, bịt tai lại, tuyệt vọng.

Câu 6: Khi đối thoại với hồn Trương Ba, xác hàng thịt cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác hàng thịt. Đúng hay sai?

Lời giải:

– Đúng

– Xác anh hàng thịt cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác anh hàng thịt

Câu 7: Trong cuộc đối thoại với hồn Trương Ba, thái độ của xác hàng thịt như thế nào?

Lời giải:

Thái độ xác hàng thịt: từ giễu cợt sang quả quyết, mạnh mẽ, lấn át và cuối cùng thắng thế.

Câu 8: Qua cuộc đối thoại giữa hồn và xác, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm điều gì?

Lời giải:

– Qua đoạn hội thoại giữa hồn và xác, hàm ý mà tác giả Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm:

+ Linh hồn và thể xác là hai mặt không thể thiếu trong một con người, cả hai đều đáng trân trọng. Một cuộc sống đích thực chân chính phải có sự hài hòa giữa linh hồn và thể xác.

+ Tác giả phê phán những dục vọc tầm thường, sự dung tục của con người. Mặt khác, ông vạch ra quan niệm phiến diện, xa rời thực tế khi coi thường giá trị vật chất và những nhu cầu của thể xác.

+ Ủng hộ khát vọng sống thanh cao của con người. Con người cần có sự ý thức chiến thắng bản thân, chống lại nghịch cảnh số phận, chống lại sự giả tạo để bảo vệ quyền sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách.

Câu 9: Câu nói sau là của nhân vật nào trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt?

“Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”

Lời giải:

Câu nói trên là của nhân vật hồn Trương Ba khi đối thoại với Đế Thích.

Câu 10: Trong gia đình, ai là người hiểu và cảm thông với Trương Ba nhất khi ông phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt?

Lời giải:

Chị con dâu là người cảm thông, chia sẻ và hiểu Trương Ba nhất nhưng chị cũng đang nhận thấy những thay đổi, lệch lạc, không còn nhận ra Trương Ba của trước kia nữa.

Câu 11: Câu nói sau của nhân vật nào trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt?

“Đừng vờ! Chính ông làm cu Tị khổ thêm thì có! Cu Tị nó cũng rất ghét ông! Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”

Lời giải:

Câu nói trên là của cái Gái (cháu Trương Ba), thể hiện sự giận dữ, quyết liệt, nhất mực phản đối, cho rằng ông mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba vô cùng vụng về, thô lỗ, phũ phàng.

Câu 12: Qua lớp kịch hồn Trương Ba với gia đình, nguyên nhân nào đã khiến cho người thân của Trương Ba và cả Trương Ba rơi vào bất ổn và chịu đau khổ.

Lời giải:

Nguyên nhân chính khiến người thân của Trương Ba và chính Trương Ba rơi vào bất ổn, đau khổ là việc “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, sự không đồng nhất giữa thể xác và tâm hồn ở Trương Ba gây ra nhiều phiền toái, rắc rối. Đau xót hơn là Trương Ba không còn là chính mình, ông bị tha hóa dưới sức ảnh hưởng ghê gớm của xác thịt.

Câu 13: Sau khi đối thoại với những người trong gia đình, Trương Ba có thái độ và hành động như thế nào?

Lời giải:

* Thái độ và hành động của Trương Ba:

– Đau đớn, bất lực

– Thừa nhận sự thắng thế của xác hàng thịt nhưng không khuất phục mà quyêt định không cần đến xác hàng thịt nữa.

– Nhà viết kịch đã để cho hồn Trường Ba còn lại trơ trọi một mình với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, một mình với những lời độc thoại đầy chua chát đầy quyết liệt: “Mày đã thắng thế rồi, cái thân xác không phải của ta ạ… Nhưng lẽ nào ta lại phải chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? Chẳng lẽ không còn cách nào khác! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến đời sống do mày đem lại! Không cần!”.

=> Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

Câu 14: Quan niệm của Đế Thích về ý nghĩa sự sống trong đoạn trích Hồn Trương ba, da hàng thịt:

Lời giải:

Quan niệm của Đế Thích về ý nghĩa sự sống: Cuộc sống là điều quý giá, phải sống với bất cứ giá nào.

Câu 15: Vì sao Trương Ba không đồng ý nhập vào xác cu Tị?

Lời giải:

* Trương Ba từ chối nhập vào xác cu Tị vì:

– Việc này sẽ dẫn đến hàng loạt những phiền phức, rắc rối như việc Trương Ba đã nhập vào xác hàng thịt (phải giải thích cho chị Lụa và gia đình, có khi phải sang nhà chị Lụa ở, lại tạo cơ hội cho bọn lí trưởng, trương tuần thu lợi…).

– Tuy có cả cuộc đời trước mắt nhưng khi những người đồng trang lứa nằm xuống, Trương Ba sẽ trở nên lạc lõng, thảm hại.

– Dù nhập vào xác cu Tị hay xác ai thì Trương Ba cũng không được là mình toàn vẹn và tiếp tục rơi vào bi kịch bên trong một đằng bên ngoài một nẻo.

=> Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến hồn Trương Ba đi đến quyết định dứt khoát. Quyết định này khiến chúng ta càng thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt đó là con người ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.

Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ

I. Tác giả

1. Tiểu sử

– Lưu Quang Vũ (1948 – 1988), ông sinh ra ở Phú Thọ, là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận.

– Là một con người tài năng đa dạng nhưng gặp nhiều bất hạnh.

– Ông đã mất trong một vụ tai nạn giao thông khi sự nghiệp đang nở rộ.

2. Sự nghiệp văn học

a. Tác phẩm chính

Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Hương cây; Tôi và chúng ta; Sống mãi tuổi 17; Nàng Sita; Ngọc Hân công chúa,….

b. Phong cách nghệ thuật

Kịch của Lưu Quang Vũ mang nhiều cách tân độc đáo; quan tâm thể hiện xung đột trong cách sống và quan niệm sống, bày tỏ khát vọng hoàn thiện nhân cách con người.

II. Tác phẩm

1. Tóm tắt

Trương Ba – người làm vườn chất phác, hiền lành, rất mực yêu quý vợ con và cháu gái. Ông nổi tiếng là người chơi cờ giỏi và có lối sống thanh cao. Vì sự tắc trách của Nam Tào, Trương Ba đang khỏe mạnh bỗng chết một cách đột ngột. Tiên Đế Thích vì muốn có người đánh cờ với mình và muốn sửa sai cho Nam Tào nên hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác một anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba đau khổ đấu tranh với những ham muốn bản năng của thân xác hàng thịt. Sau một thời gian, chính hồn Trương Ba cũng phần nào bị tha hóa, gia đình Trương Ba trở nên ly tán, đau buồn. Trương Ba quyết định thắp nhang gọi Đế Thích lên để quyết định rời khỏi thân xác anh hàng thịt. Đế Thích tìm mọi cách khuyên ngăn và đưa ra giải pháp khác hấp dẫn hơn như cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị đang hấp hối. Trương Ba xin cho cu Tị được sống và kiên quyết chọn cái chết và không nhập vào xác ai nữa bởi ông không muốn “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”.

2. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

– Vận dụng sáng tạo tích truyện dân gian để xây dựng tình huống kịch độc đáo và gửi gắm vấn đề nhức nhối của cuộc sống hiện đại.

– Viết năm 1981, công diễn lần đầu năm 1984 và gặt hái được thành công lớn.

– Đoạn trích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch.

b. Bố cục

– Phần 1 (từ đầu đến “Vợ Trương Ba bước vào”): Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt

– Phần 2 (tiếp đó đến “Không cần!”): Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và những người thân trong gia đình

– Phần 3 (còn lại): Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba, Đế Thích và quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba

3. Tìm hiểu chi tiết

a. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt

* Hồn Trương Ba:

– Cho rằng mình vẫn có một đời sống nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn

Xem xác chỉ là cái vỏ bên ngoài, âm u, đui mù, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc, nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém. Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò của xác anh hàng thịt

– Thái độ: từ chối quả quyết, mạnh mẽ sang ấp úng, bịt tai lại, tuyệt vọng

* Xác anh hàng thịt:

– Cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác anh hàng thịt

– Thái độ: từ giễu cợt sang quả quyết, mạnh mẽ, lấn át và cuối cùng thắng thế

* Kết quả: phần thắng thuộc về xác anh hàng thịt

⇒ Cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng

b. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và những người thân trong gia đình

* Hồn Trương Ba: cho rằng mình vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn

* Những người thân trong gia đình:

– Vợ Trương Ba: đau đớn, khóc lóc, nhận ra Trương Ba không còn là Trương Ba của ngày xưa, “ông đâu còn là ông”

– Cháu gái: giận dữ, quyết liệt, phản đối nhất mực, cho rằng ông mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba vô cùng vụng về, thô lỗ, phũ phàng

– Con dâu: cảm thông, chia sẻ và yêu thương với ông nhưng vẫn thấy không còn nhận ra Trương Ba của trước đây nữa.

* Mỗi người trong gia đình ở một vị trí, một thái độ khác nhau nhưng đều có điểm chung là thấy Trương Ba đã thay đổi, không còn nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

– Kết quả: Trương Ba vỡ lẽ, nhận ra sự thay đổi của bản thân và sự lấn át của phần xác đối với phần hồn trong ông.

⇒ Mâu thuẫn kịch lên đến đỉnh điểm.

c. Cuộc đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích và quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba

– Sự giác ngộ về ý thức: Con người sống cần có sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn, cần được sống là chính mình và cần phải sống có ý nghĩa.

+ Không được bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”

+ “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”

+ “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được… tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”.

– Hành động mang tính bước ngoặt của Trương Ba: Một quyết định đầy khó khăn nhưng hết sức đúng đắn.

+ Trả lại xác cho anh hàng thịt còn Trương Ba sẽ chết.

+ Phép thử của Đế Thích (Trương Ba nhập vào xác cu Tị): Trương Ba đã để cho cu Tị sống còn mình thì chết.

=> Đoạn kết có ý nghĩa rất to lớn, có tác dụng thúc đẩy ý chí nhận thức của con người về cách sống để tránh làm cho tâm hồn của mình bị tổn thương, không hoán đổi thân xác và sống nhờ vào thân xác của người khác. Được sống làm người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.

d. Giá trị nội dung

Qua đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc thông điệp: Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh của chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý

e. Giá trị nghệ thuật

– Xây dựng tình huống, xung đột kịch độc đáo, hấp dẫn.

– Đối thoại kịch đậm chất triết lý, giàu kịch tính, tạo nên chiều sâu ý nghĩa cho vở kịch.

– Hành động kịch của nhân vật phù hợp với tính cách, hoàn cảnh, góp phần thúc đẩy tình huống, xung đột kịch phát triển.

– Nghệ thuật độc thoại nội tâm giúp nhân vật bộc lộ tính cách và quan niệm về lẽ sống đúng đắn.

*******

Trên đây là 5 đề đọc hiểu Hồn Trương Ba, da hàng thịt có đáp án chi tiết do thầy cô biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà thật tốt và tự tin trước khi bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button