Giáo dụcLớp 11

Bình luận về sự nôn nóng

Đề bài: Bình luận về sự nôn nóng

binh luan ve su non nong

Bài văn Bình luận về sự nôn nóng

Bạn đang xem: Bình luận về sự nôn nóng

I. Dàn ý Bình luận về sự nôn nóng

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận về sự nôn nóng.

2. Thân bài

a. Giải thích, nêu biểu hiện của sự nôn nóng

– Là một trạng thái tinh thần mang yếu tố tiêu cực: nóng vội, không kiên trì.

– Biểu hiện: Không giữ được bình tĩnh, dễ nổi nóng và đưa ra quyết định, hành động một cách vội vàng, thiếu lí trí.

b. Phân tích tác hại của sự nôn nóng

– Sự nôn nóng đang là một căn bệnh tinh thần gây ảnh hưởng tiêu cực đến lí trí và chi phối hành động của con người.

– Khi nôn nóng, con người thường dễ phạm phải sai lầm và thất bại,.

– Khi muốn hoàn thành mục tiêu một cách chóng vánh, chúng ta sẽ rơi vào tình huống rối ren và hoảng loạn, thiếu quyết đoán.

– Ngược lại, khi làm việc cẩn thận, chúng ta có thể chuyên tâm phân tích, xem xét mọi khía cạnh của vấn đề, từ đó đưa ra phương án và cách giải quyết phù hợp

c. Chỉ ra nguyên nhân của sự nôn nóng

– Nguyên nhân khách quan: nhịp độ phát triển nhanh chóng của xã hội của vòng quay của dòng thời gian.

– Nguyên nhân chủ quan: con người sống hối hả, vội vã để bắt nhịp với tốc độ phát triển của khoa học – công nghệ và mong muốn nhanh chóng đạt được mục tiêu.

d. Đề xuất giải pháp khắc phục sự nôn nóng

– Cần giữ được sự bình tĩnh cùng trạng thái ôn hòa để xử lí và suy nghĩ thấu đáo.

– Trước khi hành động, nên xem xét toàn diện mọi khía cạnh của vấn đề, phân tích những yếu tố thất bại, khó khăn và rủi ro có thể xảy ra.

– Rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại trong công việc.

3. Kết bài

Khẳng định vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân.

 

II. Bài văn mẫu Bình luận về sự nôn nóng

Cùng với vòng quay không ngừng nghỉ của thời gian và nhịp độ phát triển của khoa học – kinh tế – văn hóa, cuộc sống của con người ngày càng diễn ra hối hả, sôi động, vội vã hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tâm lí, tinh thần của con người, bởi khi sống nhanh, sống gấp, chúng ta thường để cảm xúc nôn nóng chi phối đến tâm trạng và hành động.

Như chúng ta đã biết, sự nôn nóng là một trạng thái tinh thần mang yếu tố tiêu cực với những biểu hiện như không giữ được bình tĩnh, dễ nổi nóng và đưa ra quyết định, hành động một cách vội vàng, thiếu lí trí. Hiện nay, sự nôn nóng được xem là một căn bệnh xuất hiện ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống của con người. Trong học tập, sự nôn nóng được biểu hiện qua việc học hời hợt để nắm nhanh kiến thức bề nổi, học vẹt để đạt kết quả cao trong kì kiểm tra mà không tìm tòi, nghiên cứu, thực hành để nắm được bản chất của khái niệm. Trong công việc, sự nôn nóng thể hiện qua việc làm việc thiếu cẩn thận, không kiên trì, không chuyên tâm và thường xuyên “đốt cháy giai đoạn” để đạt đến mục tiêu đặt ra.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, sự nôn nóng đang là một căn bệnh tinh thần gây ảnh hưởng tiêu cực đến lí trí và chi phối hành động của con người. Khi thực hiện công việc với sự nôn nóng, con người thường dễ phạm phải sai lầm và thất bại, bởi khi muốn hoàn thành mục tiêu một cách chóng vánh, chúng ta sẽ rơi vào tình huống rối ren và hoảng loạn, thiếu quyết đoán, khiến những việc tưởng chừng như đơn giản trở nên phức tạp. Bàn về vấn đề này, người xưa từng nói “Dục tốc bất đạt” để thể hiện bài học sâu sắc về chân lí “nóng vội thì không thành công”. Ngược lại, khi làm việc cẩn thận, chúng ta có thể chuyên tâm phân tích, xem xét mọi khía cạnh của vấn đề, từ đó đưa ra phương án và cách giải quyết phù hợp. Chiến thắng lẫy lừng của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 chính là minh chứng tiêu biểu thể hiện rõ điều này. Sau khi phân tích, suy xét các yếu tố địch và ta, bộ chỉ huy mặt trận trung ương đã quyết định thay đổi chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và lựa chọn phương châm chiến đấu “đánh chắc, tiến chắc”. Với sự thay đổi này, quân và dân ta đã có thêm thời gian để chuẩn bị vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, vang dội địa cầu” sau “Năm mươi sáu ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn” (Trích “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu).

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự nôn nóng trong tinh thần của con người? Như chúng ta đã biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến tâm lí nôn nóng là do nhịp độ phát triển nhanh chóng của xã hội của vòng quay “thấm thoắt thoi đưa” của dòng thời gian. Điều này khiến con người sống hối hả, vội vã để bắt nhịp với tốc độ phát triển của khoa học – công nghệ. Đồng thời, sự nôn nóng trong hành động của con người với mong muốn nhanh chóng đạt được mục tiêu cũng chính là nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng này.

Để khắc phục sự nóng vội, thiếu quyết đoán, trước mọi tình huống và công việc, chúng ta cần giữ được sự bình tĩnh cùng trạng thái ôn hòa để xử lí và suy nghĩ thấu đáo. Trước khi hành động, con người nên xem xét toàn diện mọi khía cạnh của vấn đề, phân tích những yếu tố thất bại, khó khăn và rủi ro có thể xảy ra; đồng thời rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại trong công việc.

Như vậy, để đặt chân đến bến bờ của thành công thì một trong những bài học mà con người cần rèn luyện là tiết chế sự nôn nóng, luôn giữ được thái độ bình tĩnh, thận trọng. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần kiên trì vượt qua những khó khăn trên con đường chinh phục tri thức để tránh được sự nôn nóng, “đốt cháy giai đoạn” trong học tập và lao động.

Nôn nóng là trạng thái tâm lí thiếu bình tĩnh, sự nôn nóng có thế dẫn đến nhiều hậu quả không như mong muốn ban đầu của con người. Sau khi tìm hiểu xong bài Bình luận về sự nôn nóng, các em có thể tham khảo và tập làm thêm một số đề bài liên quan như: Bàn luận về ý kiến của Ban-dắc: Lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hoá, Hãy bàn luận câu nói: Học như bơi thuyền ngược nước…, Bàn luận về câu nói: Một điều nhịn chín điều lành, Bàn luận về lí tưởng sống của thanh niên hiện nay.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button