Giáo dụcLớp 11

Bình giảng khổ thơ thứ hai bài Tràng giang

Đề bài: Anh/chị hãy viết bài Bình giảng khổ thơ thứ hai bài Tràng giang để thấy được tâm trạng của nhà thơ Huy Cận được bộc lộ qua khổ thơ.

binh giang kho tho thu hai bai trang giang

Bình giảng khổ thơ thứ hai bài Tràng giang

Bạn đang xem: Bình giảng khổ thơ thứ hai bài Tràng giang

Bài làm:

Không tha thiết, nồng nàn như Xuân Diệu, cũng chẳng điên cuồng lãng mạn như Hàn Mặc Tử, thơ của Huy Cận là một nỗi buồn mênh manh vô tận, buồn từ tâm hồn đến cảnh vật. Đọc thơ ông, ta thấy pha tạp chút hiện đại của văn học Pháp, nhưng nhiều nhất vẫn là nét cổ điển đậm đà của thơ Đường, thế nên ta thường thấy trong thơ ông có nỗi buồn rất lạ, rất vô định. Nhưng suy cho cùng, nỗi buồn thơ ông cũng chỉ xuất phát từ nỗi buồn thế sự, nỗi hoài niệm những điều xưa cũ, những phong cảnh huy hoàng nay đã hết, chỉ còn lại một cuộc đời rối ren. Một trong số những bài thơ tiêu biểu nhất của Huy Cận phải nhắc đến Tràng giang.

Chàng thi sĩ mới 21 tuổi đời, đứng ở nam bến Chèm sông Hồng mà suy tư về cuộc đời mình, cuộc đời người, rồi trước cái không gian rộng lớn, trời rộng – sông dài đã tức cảnh sinh tình đem đến một thi phẩm tuyệt vời, khiến độc giả phải đắm chìm vào trong cả nỗi buồn của chàng thi sĩ. Chỉ lấy nội dung khổ thơ thứ 2 của Tràng giang cũng đủ để ta chiêm nghiệm về nỗi sầu nhân thế ấy.

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Ngắm mãi cảnh sông nước dập dềnh, Huy Cận hướng tầm mắt buồn của mình về phía những cồn nhỏ “lơ thơ”, từ láy ấy gợi cho độc giả một cảm giác ít ỏi, nhẹ tênh, lơ lửng. Dường như mấy cái cồn cát nho nhỏ bên bến sông ấy đang phe phẩy, phiêu lãng cũng với cơn gió “đìu hiu”, buồn bã biết mấy. Cả cồn cả gió đều gợi nên một nỗi buồn khôn tả, ấy là cảm giác chơi vơi, lạc lõng của người thi sĩ cô đơn trước cảnh sông nước, buồn bã trước thời cuộc. Rồi Huy Cận bỗng nghe “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”, đó là một câu hỏi ngỏ, nhà thơ tự hỏi chính bản thân mình hay hỏi trời đất như thế. Huy Cận hỏi gì? Hỏi tiếng làng xa vãn chợ ở đâu hay hỏi dường như đâu đây có tiếng vãn chợ chiều văng vẳng vọng về cũng đều có ý nghĩa cả. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh thật đặc sắc và khéo léo, “làng xa” như thế nhưng Huy Cận vẫn có thể nghe thấy tiếng người râm ran buổi chợ chiều thì chứng tỏ bến Chèm này phải thật hoang vắng tĩnh lặng đến nhường nào chứ? Thoang thoảng trong khổ thơ thứ hai này đã có sư sống xuất hiện, nhưng nó cứ thấp thoáng và mỏng manh, thế nên Huy Cận lại càng trở nên cô đơn hơn.

Một hình ảnh khác lại càng nhấn mạnh được cái tính thi vị đầy sáng tạo trong nỗi buồn thơ Huy Cận, “nắng xuống, trời lên” kết hợp với cụm tính từ “sâu chót vót”, dễ khiến người ta liên tưởng đến một khung cảnh sâu rộng vô ngần, trời và đất vốn đã xa nhau nay lại càng sâu, càng xa hơn nữa. Chỉ một câu thơ đơn giản vậy thôi nhưng Huy Cận đã đem vào đó cái không gian rộng lớn, bao la và riêng mình thi sĩ cô độc trong cái khoảng không ấy. Qủa thực lời nhận định Huy Cận là nhà thơ có nỗi ám ảnh với không gian sâu sắc là không sai chút nào, bởi nếu không có cái cảm xúc sâu sắc như vậy thì làm sao lại có những vần thơ tuyệt diệu về không gian như vậy.

Kết lại đoạn thơ, là câu thơ dường như là nhận định của tác giả “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Đúng vậy trời càng rộng sông càng dài thì bến ở một chỗ lại càng nhỏ bé, càng cô độc như bóng người thi sĩ ngẩn ngơ ở bến Chèm. Huy Cận buồn gì mà nhiều đến thế, làm sao cái nỗi buồn ấy có thể lan rộng khắp không gian, từ sông, tới trời, tới bến, tới gió, tới cồn cát cũng buồn thiu theo nỗi sầu man mác mang tên Huy Cận. Đúng như lời Nguyễn Du trong Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, đó là nỗi buồn thế sự, buồn cho thân phận nổi trôi vô định giữ thời buổi rối ren Tây ta lẫn lộn, là nỗi buồn chung cho cả một xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

Như vậy chỉ là một đoạn thơ ngắn 4 câu vẻn vẹn, nhưng ta đã thấy được cái nỗi sầu của Huy Cận, đồng thời qua đó ta cũng thấy được cái tài hoa của một nhà thơ mang nỗi ám ảnh không gian sâu sắc. Thơ Huy Cận vừa cổ điển vừa hiện đại, thật nhiều ý vị và sâu sắc biết mấy, đọc riết rồi ta như chìm vào thơ ông để buồn theo cái buồn của ông.

——————-HẾT——————-

Trên đây chúng tôi đã hướng dẫn các em cách bình giảng khổ thơ thứ hai bài thơ Tràng giang, để củng cố kĩ năng bình giảng và có thêm những kiến thức hay về tác phẩm Tràng giang, các em có thể tham khảo thêm: Bình giảng khổ thơ sau trong bài thơ Tràng giang: “Lơ thơ cồn nhỏ… trời rộng, bến cô liêu”, Bình giảng khổ thơ kết thúc bài Tràng giang: “Lớp lớp mây cao… hoàng hôn cũng nhớ nhà.”, Bình giảng bốn câu kết trong bài thơ Tràng giang, Bình giảng bài thơ Tràng giang

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button