Tuyển chọn những bài văn mẫu bàn luận về tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn hay nhất để giúp các em học sinh lớp 7 tham khảo.
Tài liệu hướng dẫn bàn luận về tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn gồm tổng hợp những bài văn mẫu hay tham khảo giải thích, bàn luận về ý nghĩa câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Đề bài: Em hãy bàn luận ý nghĩa của câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Top 3 bài nghị luận hay bàn về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Bàn về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn bài mẫu 1
Từ thực tế cuộc sống vất vả, gian nan và đầy thử thách, nhân dân ta đã rút ra cách đánh giá, nhìn nhận sự vật và con người. Người xưa thường Ăn lấy chắc, mặc lấy bền và coi trọng phẩm chất bên trong hơn là hình thức bên ngoài. Điều đó thể hiện qua câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Quan điểm đấy đúng hay không đúng? Trong hoàn cảnh ngày nay, nó có còn giữ nguyên giá trị hay không? Chúng ta hãy thử cùng nhau bình luận.
Tất cả các sự vật đều có hai mặt: nội dung và hình thức. Mặt nội dung còn gọi là chất lượng của sản phẩm thường được đánh giá cao.
Thực tế cho thấy các đồ vật (giường, tủ, bàn ghế,…) làm bằng gỗ tốt, gỗ quý có thời gian sử dụng rất lâu dài và càng về sau càng đẹp. Người ta chỉ cần bào nhẵn rồi đánh bóng chúng bằng một lớp véc-ni là đủ. Trong khi đó, những đồ dùng bằng gỗ xấu, gỗ tạp bên ngoài lại hay được sơn phết hào nhoáng. Dù có đẹp đến đâu chăng nữa thì chúng cũng rất mau hỏng. Vì thế cho nên mọi người chuộng tốt, chuộng bền mà coi nhẹ hình thức của đồ vật. Nghĩa đen của câu tục ngữ trên là như vậy.
Nhưng cũng như bao câu tục ngữ khác, câu Tốt gỗ hơn tốt nước sơn còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là lời khuyên thiết thực, đúng đắn về cách nhìn nhận, đánh giá con người. Chúng ta thấy rõ tính nhất quán trong việc khẳng định sự hơn hẳn của nội dung bên trong so với hình thức bên ngoài.
Lời khuyên này rất đúng vì nó được đúc kết từ kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Đánh giá một con người cần phải trải qua thời gian khá dài, không thể chủ quan, hồ đồ, rất dễ dẫn đến sai lầm, thậm chí gây nên những hậu quả tai hại khó lường.
Tại sao người xưa cho rằng nội dung bên trong (phẩm chất tốt) hơn hẳn hình thức bên ngoài?
Điều mà ai cũng phải thừa nhận là người có đạo đức tốt, trình độ hiểu biết sâu rộng, năng lực làm việc cao sẽ làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, không có được những phẩm chất tốt đẹp ấy thì khó có thể thành công trên đường đời, cho dù con người ấy hình thức bên ngoài có hào nhoáng, đẹp đẽ đến đâu chăng nữa. Người xưa đã dùng cách gọi hàm ý châm biếm những kẻ chỉ có hình thức bên ngoài, hay dùng hình thức bên ngoài để lừa bịp người khác, để che giấu những xấu xa, khuyết điểm bên trong… là loại Tốt mã giẻ cùi, nói thẳng ra là vô dụng, chẳng có giá trị gì.
Trên cơ sở quan điểm của người xưa, ngày nay chúng ta nên đánh giá con người như thế nào cho đúng? Chúng ta đều biết là giữa nội dung và hình thức có mối tương quan với nhau. Nội dung quyết định hình thức, hình thức làm tăng thêm giá trị cho nội dung. Vì vậy, khi nhận xét đánh giá về một người nào đó, chúng ta hãy bình tĩnh, sáng suốt tìm hiểu, phân tích để có được những kết luận đúng đắn và chính xác nhất.
Thống nhất với quan điểm của người xưa, chúng ta vẫn lấy phẩm chất (đạo đức, tài năng,…) làm tiêu chuẩn cơ bản, làm thước đo giá trị con người. Hãy căn cứ vào chất lượng và mục đích của công việc mà đánh giá người tốt, kẻ xấu và hãy đặt người ấy vào mối quan hệ với gia đình, nhà trường, xã hội. Người tốt là người có lương tâm và trách nhiệm với bản thân, với mọi người.
Chú trọng nội dung nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ hình thức, bởi hình thức phần nào phản ảnh nội dung. Xưa nay, các bậc vĩ nhân, các nhà bác học… thường rất giản dị. Giản dị nhưng nghiêm túc và tôn trọng mình, tôn trọng người khác. Trái lại, những kể thích phô trương hình thức thì bên trong lại hời hợt và trống rỗng. Nếu kết hợp được một cách hài hòa giữa nội dung và hình thức, tất nhiên giá trị con người sẽ tăng lên rất nhiều.
Tuy câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” xuất hiện đã khá lâu nhưng cho đến nay nó vẫn giữ nguyên giá trị. Câu tục ngữ là một lời khuyên sáng suốt, thiết thực trong cách đánh giá sự vật và con người trong mọi hoàn cảnh, đồng thời đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai chỉ chạy theo hình thức hào nhoáng bên ngoài mà quên đi phẩm chất tốt đẹp – yếu tố cơ bản tạo nên giá trị đích thực của một con người.
Bàn về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn bài mẫu 2:
“Cái nết đánh chết cái đẹp” là lời nhận định của người xưa nhằm nhắc nhở con cháu một bài học về kinh nghiệm sống ở đời, về nhận xét đánh giá con người: khi nhận xét đánh giá một người nào đó ta cần phải chú ý đến nết na, đức hạnh hơn là cái vẻ đẹp bên ngoài. Điều này lại được khẳng định một lần nữa trong câu tục ngữ giàu hình ảnh: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Ngày nay ta cần hiểu lời dạy trên như thế nào cho hợp lý? Câu tục ngữ là lời khuyên thật giản dị, nêu lên hai chất liệu hết sức gần gũi và quen thuộc trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đó là “gỗ” và “nước sơn”. “Gỗ” là chất liệu dùng để tạo nên vật dụng như tủ, bàn ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu dùng để quét bên ngoài nhằm làm tăng thêm vẻ đẹp của đồ vật. Muốn có một đồ dùng bền ta nên chú ý đến chất gỗ bên trong, đừng vì màu sắc hòa nhoáng bên ngoài mà dễ bị nhầm lẫn. Qua kinh nghiệm trong cuộc sống ông bà ta đã kết luận “gỗ tốt” hơn hẳn “nước sơn” đẹp. Từ nghĩa thực ấy, câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta nên thận trọng hơn trong cách nhìn nhận và thực tế hơn trong cách sống, không nên dựa vào hình thức bên ngoài mà phải chú ý quan tâm đến chất lượng, phẩm giá bên trong để phán xét vấn đề. Thật vậy, thực chất bên trong của sự vật, cũng như đạo đức năng lực của con người phải có giá trị hơn hẳn cái hình thức dáng vé hào nhoáng bên ngoài. Và lời khuyên ấy là một bài học quý báu cho mỗi chúng ta.
Trong thực tế cuộc sống, mỗi sự vật, mỗi con người thì giữa hình thức và nội dung, giữa bên ngoài và thực chất bên trong không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau. Những vật dụng có chất lượng kém nhưng được mang một hình dáng thật hấp dẫn, cái bàn, cái tủ làm bằng gỗ xấu thì luôn luôn được phủ một lớp sơn thật rực rỡ. Cũng như con người độc ác, bất tài thường được che giấu bởi lớp vỏ bên ngoài thật lịch sự, sang trọng… Đứng trước những trường họp ấy ta phải thật tỉnh táo và sáng suốt để nhận định đánh giá không bị nhầm lẫn. Và nếu phải lựa chọn thì ta nên lấy nội dung, chất lượng bên trong là tiêu chuẩn làm thước đo để đánh giá. Là vật dụng ta chú ý đến chất gỗ; là con người nên quan tâm đến đạo đức, trình độ năng lực của con người. Có như vậy ta mới không hối tiếc sau này. Bởi lẽ hình thức bên ngoài không thể bền lâu rồi cũng sẽ tàn phai theo tháng năm, còn cái trường tồn vững chắc vẫn là cái cốt lõi bên trong. Ngoài ra, câu tục ngữ còn giúp ta một phương châm ở đời, đó là lý do tu dưỡng rèn luyện cho bản thân. Đừng mải mê chạy theo hình thức mà quên đi cái giá trị của con người là phẩm hạnh, là tài năng, là trí tuệ. Đây là một lời giáo dục thật đúng đắn để giúp chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống.
Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ được như vậy vì hiện nay có biết bao kẻ ưa chuộng hình thức, lớp hào nhoáng bên ngoài. Họ thấy đẹp, thấy lịch sự là vừa ý, là hài lòng. Thậm chí còn tệ hại hơn nữa là họ quan niệm về cái đẹp không đúng đắn, nên họ chỉ lo chăm chút cho cái dáng vẻ bên ngoài cho thật nổi bật, cho thật sáng rực mà quên đi việc rèn luyện phẩm chất bên trong. Những hạng người đó chỉ lo làm cho xã hội rối rắm, không giúp ích gì cho đất nước cả. Nói như vậy, không có nghĩa là ta phủ nhận hoàn toàn giá trị của hình thức. Bởi lẽ, mặc dù nội dung quyết định giá trị sản phẩm, giá trị con người nhưng hình thức cũng góp phần biểu hiện nội dung, như ông bà ta xưa thường nói “cái răng, cái tóc là gốc con người” đó sao? Do vậy, hình thức đẹp càng tăng giá trị nội dung. Trong trường hợp này hình thức và nội dung thống nhất nhau. Vì thế, một đồ vật vừa có chất liệu tốt, mà có mẫu mã, nước sơn đẹp thì đồ vật ấy càng có giá trị hơn. Cũng như con người, nếu có phẩm chất đạo đức, có năng lực tốt mà lại có thêm dáng vẻ bên ngoài dễ nhìn, lịch sự thì đáng quý vô cùng. Cho nên khi đánh giá sự vật hay con người, ta phải biết kết hợp giữa nội dung, chất lượng với hình thức, dáng vẻ bên ngoài thì sự đánh giá nhận xét sẽ chính xác hơn.
Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã giúp cho ta một bài học kinh nghiệm về cách nhận định, đánh giá một đồ vật hoặc con người, hiểu đúng, vận dụng đúng lời khuyên dạy trên chúng ta sẽ ít vấp phải sai lầm. Cũng như từ bài học này giúp ta biết cách rèn luyện, tu dưỡng bản thân để tự nâng cao phẩm chất của một người học sinh; đồng thời ta cũng thấy rõ hơn mối quan hệ tương hỗ giữa hai mặt nội dung và hình thức để ta phấn đấu vươn lên thành người toàn diện sau này giúp ích cho đất nước, quê hương.
Bàn về câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn bài mẫu 3:
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu tục ngữ nêu lên những kinh nghiệm trong việc đánh giá nhìn nhận con người thông qua cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một đồ vật cụ thể. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một câu tục ngữ thuộc loại trên.
Nó vừa đúng cả nghĩa đen, vừa đúng cả nghĩa bóng. Vì trước hết nó nêu lên một kinh nghiệm để nhìn nhận về chất lượng một đồ vật bằng gỗ mà ta dùng thường ngày. Đồ vật bằng gỗ đó được sơn một lớp sơn hào nhoáng, nhìn mặt ngoài ta thấy nó đẹp nhưng thực chất gỗ của nó ra sao thì ta chưa biết được. “Nước sơn” chính là mặt ngoài, mặt trang trí, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn về hình thức. Nhưng “nước sơn” cũng có thể che giấu đi cái chất gỗ tạp bên trong. Gỗ là nguyên liệu làm nên đồ vật. Nếu gỗ không tốt, thì các đồ vật ta dùng cũng chóng hỏng. Khi đó “nước sơn” cũng không thể cứu nỗi sự hỏng nát của các đồ vật.
Một con người cũng vậy, tư tưởng, đạo đức, cái quyết định không phải là hình thức bên ngoài mà là phẩm chất tư tưởng, đạo đức của người đó. Hình thức bên ngoài: Đẹp hay xấu, giản dị hay diêm dúa… ta dễ nhận ra ngay qua một cái nhìn nhưng còn phẩm chất bên trong, người đó nhân hậu hay ích kỉ, cao cả hay thấp hèn, trung thực hay giả đối… thì phải sống lâu với nhau mà biết được. Mà đã là con người thì cuộc sống tồn tại chủ yếu là thông qua các mối quan hệ giữa người với người. Trong các mối quan hệ này, muốn sống lâu dài với nhau được, quả thực con người phải tôn trọng nhau, yêu thương nhau… Không thể sớm nắng, chiều mưa! Thực tế có những người, son phấn lòe loẹt chưng diện hết mốt này đến mốt khác, nói năng xem ra cũng nhẹ nhàng, quyến rũ… nhưng tiếp xúc và gần gũi một thời gian ta sẽ thấy họ thuộc loại ăn xổi, ở thì, lừa thầy, dối bạn, coi thường cả bố mẹ. Tuy rằng nội dung, phẩm chất là cái quyết định nhưng cũng không thể xem thường hình thức bên ngoài. Bởi hình thức là cái đập vào mắt ta trước tiên. Mà con mắt của ai thì cũng thích nhìn cái đẹp, một phong cách đẹp, một khuôn mặt đẹp, một bộ quần áo đẹp… ai mà chả thích ngắm!
Thực ra câu tục ngữ trên không hề có ý xem nhẹ hình thức mà chú yếu là so sánh giữa nội dung và hình thức để thấy nội dung quan trọng hơn hình thức. Điều đó là đúng. Nhưng hình thức cũng hết sức quan trọng. Hình thức góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp của nội dung. Gỗ tốt không mối mọt, có độ bền lâu, nhưng lại đánh bóng, sơn mài, thì lại vừa tốt, vừa đẹp chứ sao? Con người cũng vậy, vừa có phẩm chất tốt, lại vừa có vẻ đẹp của hình thức bên ngoài, từ cái dáng hình đến nụ cười, giọng nói, từ cử chỉ đến cách ăn mặc, đi đứng… thì ai mà chẳng thích sống gần, thích làm bạn với nhau? Chính vì vậy mà bên cạnh câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” lại có câu “Cái răng, cái tóc là góc con người”.
Hơn nữa trong cuộc sống của con người có những hiện tượng rất khó tách bạch đâu là nội dung, đâu là hình thức, bởi lẽ ở đó hình thức và nội dung, cả hai cái đều quan trọng cả. Một lời nói nhẹ nhàng trước một sai lầm của bạn, giọng nói chưa phải là nội dung của câu nói nhưng quả thật nó cũng phản ánh một thái độ, một phương pháp, một cách xử thế… đó không phải là nội dung thì là gì nữa?
Tóm lại, nội dung và hình thức, cái bên ngoài và cái bên trong thống nhất, có quan hệ chặt chẽ và liên hệ với nhau. Nội dung quyết định giá trị và hình thức góp phần nâng cao giá trị của nội dung. Khi muốn xem một con người, ta phải xem xét cả hai mặt: nội dung và hình thức.
Trong cuộc sống của mỗi con người, ai cũng có thể rèn luyện để cho phẩm chất của mình ngày càng tốt hơn và ai cũng có thể làm đẹp thêm hình thức bên ngoài của mình từ cách ăn mặc đến giao tiếp để góp phần làm cho xã hội thêm văn minh, lịch thiệp. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên của cha ông ta, luôn đúng cho mọi thế hệ.