Tổng hợp

Alpha male là gì? Vì sao alpha male phổ biến?

Alpha male là gì?

Alpha male chỉ người đàn ông thành công và có quyền lực nhất trong một nhóm người hoặc trong một lĩnh vực nhất định. Alpha male cũng là kiểu đàn ông thích kiểm soát người khác.

Ngược lại với alpha male là beta male. Beta male thường bị gắn những tính từ tiêu cực: nhu nhược, dễ phục tùng, không quyết đoán, và thiếu nam tính.

Alpha male là gì?
Alpha male là gì?

Nguồn gốc của alpha male?

Alpha male là một ý tưởng trong văn hoá đại chúng. Alpha và beta male vốn là thuật ngữ của ngành sinh học và chỉ mới bắt đầu phổ biến ngay cả với giới học thuật sau quãng năm 1950. Kết quả tra Google Scholar cho thấy quãng 1900-1950 chỉ có 10 nghiên cứu đề cập đến “alpha male”, trong khi quãng 1950-2000 thì con số nhảy vọt đến 2520 nghiên cứu.

Với văn hoá đại chúng thì alpha male bắt đầu phổ biến nhờ quyển sách The Wolf (David Mech) viết về sói vào năm 1970, và Chimpanzee Politics (Frans de Waal) viết về tinh tinh vào năm 1982. Hai quyển sách đều cho thấy các con đực đầu đàn (alpha male) của hai loài trên sử dụng bạo lực để thống trị bầy đàn nên định nghĩa về alpha male trong văn hoá đại chúng cũng tương tự.

Trong văn hoá đại chúng, alpha male chỉ người đàn ông thống trị các cá nhân khác, như một phẩm chất tự nhiên, có nhiều tính cách đi kèm tuỳ từng vùng văn hoá, nhưng tính thống trị vẫn luôn là cốt lõi. Để tô rõ tính cách này ở alpha male, văn hoá đại chúng tạo thêm beta male như một tấm gương xấu để alpha male tránh. Beta male chỉ người đàn ông nhu nhược, phục tùng (trái ngược với thống trị).

Các thuật ngữ này vẫn thường được các tổ chức hướng dẫn người khác làm đàn ông sử dụng như Alpha Art, Red Pill, Pick Up Artist (PUA), với đường lối tuyên truyền rất rõ ràng: alpha-thống trị là gương tốt và beta-phục tùng là gương xấu, hãy trở thành alpha.

Vì sao alpha male phổ biến?

Thuật ngữ này bắt đầu trở nên phổ biến với công chúng nhờ một bài báo được đăng trên tờ Times năm 1999. Theo đó, Naomi Wolf, nữ cố vấn của ứng cử viên Tổng thống Al Gore nói rằng Gore là một beta male, vì vậy ông cần học cách trở thành một alpha male thì mới được công nhận như một nhà lãnh đạo thực thụ. Tuy nhiên, bà đã phủ nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn sau đó.

Phải đến năm 2005, khi Neil Strauss ra mắt The Game – một cuốn sách dạy cách chinh phục phụ nữ, alpha male mới chính thức phổ biến và được sử dụng rộng rãi đến tận ngày nay.

Alpha male và sự nam tính tuyệt đối

Tư tưởng về người đàn ông hoàn hảo thường gây nhiều tranh cãi. Nhiều người tin rằng alpha male đại diện cho sự thành công, năng lực xuất chúng. Có ý kiến lại phản bác rằng alpha male không thể tồn tại trong xã hội loài người vì không ai có thể xuất sắc ở mọi mặt. Một người alpha trong lĩnh vực này hoàn toàn có thể là beta trong lĩnh vực khác.

Do ảnh hưởng bởi tư tưởng “là đàn ông phải thế”, một số người còn coi alpha male là hình mẫu của sự nam tính tuyệt đối. Đàn ông được kỳ vọng phải mạnh mẽ, không được khóc hay bộc lộ sự mềm yếu một cách công khai, phải luôn thể hiện sức mạnh bằng hình thể, tác phong và từ chối bất cứ điều gì khiến họ trông nữ tính. Sự ám ảnh quá mức với quy chuẩn nam tính do xã hội đặt ra được gọi là tính nam độc hại (toxic masculinity).

Nghiên cứu đến từ Đại học Indiana (Mỹ) và Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore) chỉ ra, những người đàn ông tuân thủ chặt chẽ các chuẩn mực về nam tính có thể gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu, và dễ nảy sinh thái độ chống đối, thù địch.

Alpha male cũng có thể là người gia trưởng

Ở Việt Nam, tính cách thích kiểm soát của alpha male được thể hiện rõ nhất ở những người đàn ông gia trưởng. Gia trưởng, theo định nghĩa của từ điển, là người đàn ông đứng đầu, nắm mọi quyền hành trong gia đình thời phong kiến. Người đàn ông từng được coi là trung tâm và chỉ có họ mới có thể gánh vác được việc lớn.

Trong xã hội hiện đại, gia trưởng là từ để chỉ những người có tư tưởng lãnh đạo, bảo thủ, và tự mình quyết định mọi việc. Họ cũng có cái tôi rất cao và thường không được lòng nhiều người.

Trong khoa học, ý tưởng về Alpha male bị chính người lan truyền nó bác bỏ

Như đã trình bày, những cầu nối được bắc sớm nhất cho alpha male đến với văn hoá đại chúng là các nghiên cứu về loài sói và tinh tinh vào quãng 1970-1980. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về hai loài ấy dựa theo các nghiên cứu khoa học.

Về loài sói

Năm 1947 Rudolph Schenkel công bố nghiên cứu của mình trên đàn sói bị nuôi nhốt ở vườn thú Basel và Zurich. Nghiên cứu cho thấy sói hợp đàn vào đầu đông (trước đó chúng sống thành từng nhóm nhỏ) và chỉ có một sói cái mỗi đàn (chưa xác định rõ nguyên nhân). Các sói đực trong đàn cạnh tranh tàn khốc để giành con sói cái duy nhất. Cuối mùa đông, con đực chiến thắng sẽ cùng con cái tách đàn để sinh sản, những con đực thất bại sẽ chịu cảnh thiếu vắng bạn tình và lại tách ra thành từng nhóm nhỏ. Sói là động vật đơn phối (monogamy), tức một con đực chỉ phối với một cái, và ngược lại, đến hết đời.

Năm 1970, sau nhiều năm nghiên cứu sói nuôi nhốt ở nhiều nơi trước đó, David Mech cho ra đời quyển sách The Wolf với những miêu tả về sói tương tự Schenkel, đồng thời lan rộng thuật ngữ alpha. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1986, Mech có điều kiện nghiên cứu sói tự nhiên ở đảo Ellesmere, Canada. Ông dùng 13 mùa hè ở đây, từ 1986 đến 1998, và tìm ra nhiều khác biệt giữa sói nuôi nhốt và sói tự nhiên.

Năm 2000, Mech công bố nghiên cứu với những thông tin sau. Sói tự nhiên sống đơn phối và một đàn sói có cấu trúc như một gia đình nhỏ: cha, mẹ và con cái. Cặp sói cha mẹ sống với nhau cả đời và cùng làm đầu đàn, các thành viên thấp hơn trong đàn đều là con của cặp sói cha mẹ. Khi sói con được khoảng 1-2 tuổi, lâu nhất là 3 tuổi, chúng tự tách đàn để tìm bạn tình ở đàn khác. Khi ấy chúng thành cặp sói cha mẹ mới và tiếp tục vòng lặp.

Thứ bậc trong đàn được xác định bằng đặc quyền về thức ăn, sói cha mẹ được ăn trước rồi mới chia cho sói con. Tuy nhiên với sói con, con nhỏ hơn, tức là yếu hơn, lại được ưu tiên cho ăn hơn; và nếu sói mẹ đang thời kì mang thai, sói cha thường ưu tiên cho sói mẹ ăn hơn so với bản thân nó. Không cần nhắc đến đặc quyền giao phối ở đây bởi nghiên cứu không thấy đàn sói giao phối cận huyết.

Không có sự cạnh tranh nào trong đàn, trừ khi đàn sói kết nạp sói lạ vào đàn và sói cha/mẹ chết, con sói lạ sẽ cạnh tranh để thay ngôi đầu đàn vừa bị khuyết, nhưng trường hợp này rất hiếm trong suốt 13 mùa hè nghiên cứu.

Không có sự thống trị trong đàn. Bởi trong đàn sói thường chỉ có sói cha mẹ là thợ săn lành nghề, vì sói con đủ lớn sẽ tự tách đàn, con còn ở lại đàn thì chưa đủ lớn. Công việc của sói cha mẹ là kiếm mồi nuôi gia đình, và khi chia mồi thì cũng rất biết cách nhường nhịn cho con yếu, chứ không phải thống trị.

Sau khi công bố nghiên cứu mới, David Mech đã ra sức đính chính rằng ý tưởng về sói alpha là sai lầm, bởi chúng ta không thể đánh giá bản chất của sói khi chúng bị sống trong tù túng, như vậy chẳng khác gì quan sát phạm nhân trong nhà tù để đánh giá bản chất loài người. Ông cũng nhiều lần gửi thư yêu cầu đình bản quyển sách năm 1970 của mình vì có nhiều sai lầm, nhưng nó vẫn cứ bị in thêm.

Về loài tinh tinh

Năm 2009, một nhóm các nhà nghiên cứu đã công bố thành quả của mình sau 10 năm quan sát tinh tinh ở vườn quốc gia Gombe, Tanzania. Họ xem xét cách các con tinh tinh đực làm như thế nào để trở thành đầu đàn và duy trì vị trí ấy, với phần thưởng là được giữ đặc quyền về thức ăn và bạn tình. Biết rằng với đa số động vật có vú, con đực thường sử dụng bạo lực để đạt ngôi đầu đàn.

Nghiên cứu cho thấy rằng ở tinh tinh, bên cạnh những con to khoẻ sử dụng bạo lực để thống trị, những con tinh tinh nhỏ hơn vẫn có khả năng làm đầu đàn nhờ những hành vi thân thiện và mang tính hỗ trợ những con khác. Nghiên cứu tập trung vào ba con tinh tinh alpha làm đầu đàn từ 1989 đến 2003, cho thấy con alpha to khoẻ nhất thì rất hung dữ, nó thường dùng bạo lực để cai trị và hiếm khi có hành vi thân thiện như chải lông cho con khác. Con alpha thấp bé nhất lại dùng cách thức hoàn toàn khác, nó tích cực chải lông cho cả con đực lẫn cái trong đàn, từ đó tạo ra sự ủng hộ để duy trì ngôi vị. Con alpha thứ ba với cân nặng trung bình thì kết hợp cả hai chiến lược trên.

Nghiên cứu này cho chúng ta thấy mức độ đa dạng trong cách để làm đầu đàn của loài tinh tinh. Có những con alpha-thống trị luôn đòi con khác phải phục vụ và hiếm khi phục vụ lại, nhưng cũng có những con alpha-phục tùng luôn luôn đi phục vụ những con khác để lấy lòng chúng, từ đó mang về lợi ích cho chính bản thân nó, và phương pháp phục tùng của nó mang lại hiệu quả không kém gì phương pháp thống trị. Cái được gọi là alpha male trong loài tinh tinh hoàn toàn không cứng nhắc là phải thống trị những cá thể khác.

Cách dùng khái niệm Beta Male

Trong sinh học, beta male là con phó đàn, nó sẽ trở thành alpha nếu con alpha mất ngôi, xét về thứ bậc trong đàn con beta chỉ xếp sau con alpha. Điều này có nghĩa là con beta vốn dĩ có không ít đặc quyền nếu so sánh với các cá thể còn lại. Ví dụ các con khỉ đầu chó beta đôi khi được quyền giao phối với con cái dưới sự cho phép của con alpha.

Beta không hề trái ngược với alpha, đúng hơn nó là một phiên bản tiệm cận với alpha. Để gọi tên cá thể yếu nhất đàn, trái ngược với alpha, khoa học sử dụng thuật ngữ omega. Alpha vốn là chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Hi Lạp, chữ thứ hai là beta, theo logic muốn tìm cái đối lập với alpha, chúng ta sẽ chọn chữ cái cuối cùng, và tên của chữ cái cuối cùng là omega – cũng là thuật ngữ khoa học chọn dùng.

Việc văn hoá đại chúng coi beta là đối lập với alpha dường như xuất phát từ hiểu sai thuật ngữ gốc và thiếu vắng thuật ngữ đúng để gọi tên.

Vì sao alpha male phổ biến?
Vì sao alpha male phổ biến?

Với xã hội, ý tưởng về Alpha male phản bội chính những gì nó phụng sự

Niềm tin phổ biến của những người theo tư tưởng alpha male rằng thống trị là tính cách mà phụ nữ thích nhất, cách tốt nhất để xác minh điều này là hỏi ý kiến của phụ nữ thông qua các nghiên cứu.

Phụ nữ có thực sự thích đàn ông alpha?

Năm 1987, một nhóm 3 nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm bằng cách hỏi ý kiến phụ nữ qua các dòng mô tả về hai nhân vật nam giới thống trị và phục tùng để chỉ ra đâu là mẫu nam giới có sức hút tình dục hơn.

Hình mẫu thống trị được phụ nữ đánh giá là có sức hút tình dục cao hơn. Nhưng nghiên cứu này có vấn đề, vậy nên đến năm 1999, một nhóm nhà nghiên cứu khác tiến hành nghiên cứu với cùng đoạn miêu tả John bên trên.

Nghiên cứu năm 1999 cho các phụ nữ đọc ba đoạn miêu tả: John-thống trị, John-phục tùng (như chúng tôi ghi bên trên), và John-ngắn gọn (chỉ đọc phần miêu tả ngắn trong ngoặc vuông bên trên). Kết quả cho thấy trong 3 hình mẫu John, hình mẫu John-thống trị xếp thứ 2, John-phục tùng xếp thứ 3, còn vị trí thứ nhất thuộc về John-ngắn gọn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra vấn đề trong nghiên cứu năm 1987 nằm ở chỗ nghiên cứu ấy đang hướng phụ nữ đến lựa chọn nhị nguyên, vậy nên rất có thể John-thống trị được chọn chỉ bởi vì John-phục tùng quá tệ, chứ không phải do John-thống trị là hình mẫu đáng mơ ước. Bằng chứng cho điều này nằm ở kết quả của nghiên cứu 1999, phụ nữ chọn John-ngắn gọn nhiều hơn, vì phiên bản này tuy không bộc lộ nhiều thông tin, nhưng nó ít bị gò bó vào một khuôn mẫu nào đó.

Tiếp tục, để tìm hiểu thêm xem phụ nữ thích những tính cách nào ở đàn ông, các nhà nghiên cứu thêm vài dòng vào hai hình mẫu John-thống trị và John-phục tùng. Trong bài kiểm tra tính cách gần đây John-thống trị sở hữu 5 đặc điểm nổi bật là “hung hăng, cương quyết, tự tin, khắt khe, thống trị” (5 tính cách thường được gắn kèm với hình mẫu thống trị). John-phục tùng sở hữu 5 đặc điểm nổi bật là “dễ tính, trầm lặng, nhạy cảm, nhút nhát, phục tùng” (5 tính cách thường được gắn kèm với hình mẫu phục tùng). Rồi yêu cầu các cô gái chọn ra tính cách họ thích ở từng hình mẫu.

Với hình mẫu thống trị, kết quả cho thấy chỉ có 2% phụ nữ trong khảo sát lựa chọn tính cách thống trị cho buổi hẹn hò và cho tính cách đối tác. Bốn tính cách còn lại được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên như sau: tự tin (72% chọn cho buổi hẹn hò, 74% cho đối tác), cương quyết (48% cho buổi hẹn, 36% cho đối tác), hung hăng (12% cho buổi hẹn và đối tác), khắt khe (không phụ nữ nào chọn).

Với hình mẫu phục tùng, hai tính cách được chọn nhiều áp đảo là nhạy cảm (76% chọn cho buổi hẹn hò và đối tác), dễ tính (68% cho buổi hẹn, 64% cho đối tác), trầm lặng (4% cho buổi hẹn, 2% cho đối tác), nhút nhát (2% cho buổi hẹn, 0% cho đối tác), phục tùng (không phụ nữ nào chọn).

Kết quả này cho chúng ta thấy rằng: Thứ nhất tính cách thống trị chỉ đứng thứ 4 trên 5 tính cách trong hình mẫu thống trị, nó (tính cách thống trị, với 2% phụ nữ lựa chọn) chỉ cao hơn tính cách khắt khe (không phụ nữ nào chọn). Điều này có nghĩa rằng mang tính cách thống trị sẽ gây bất lợi cho đàn ông trong việc thu hút phụ nữ, vì có quá ít phụ nữ (2%) thấy hấp dẫn với tính cách này.

Thứ hai, phụ nữ nhìn nhận hình mẫu đối tác lí tưởng của họ không qua con mắt nhị nguyên thống trị-phục tùng, bởi kết quả nghiên cứu cho thấy trong cả 2 hình mẫu đều có 2 tính cách được chọn nhiều áp đảo. Theo đó, 4 tính cách được phụ nữ ưa chuộng nhất là (xếp theo mức độ ưu tiên): nhạy cảm (76%), tự tin (72%), dễ tính (68%), cương quyết (48%).

Thứ ba, 4 tính cách trên, chúng tôi tin là hầu hết đàn ông đều được nghe phụ nữ trực tiếp bày tỏ lòng yêu thích trong cuộc sống thường ngày rồi, bởi nó đều là đức tính cơ bản đem lại sự tốt đẹp cho hầu hết mối quan hệ, không riêng gì mối quan hệ nam nữ (cũng như những tính cách ít được lựa chọn đều là tính xấu với hầu hết mối quan hệ). Điều này cũng nói lên một điều đơn giản là: Nếu muốn trở thành người hấp dẫn với nữ giới, hãy trở thành người tử tế theo tiêu chuẩn chung về sự tử tế của loài người.

“Phụ nữ thích trai đểu” chỉ là huyễn tưởng

Cũng cần nói thêm rằng việc ai đó nhìn thấy trong cuộc sống vẫn có những cô gái đâm đầu vào những gã trai thống trị, đó đều là việc có thật, và là việc bình thường theo thống kê. Tuy nhiên những cô gái ấy chưa bao giờ chiếm đa số trong số phụ nữ. Thậm chí, theo một số nghiên cứu, những cô gái có quá khứ bị bạo hành hoặc tuổi thơ sống thiếu an toàn sẽ có xu hướng thù địch, phân biệt giới tính và lựa chọn đối tác có tính cách thống trị. “Phụ nữ thích trai đểu” hoặc “Trai tốt về bét” chỉ là huyễn tưởng dựa trên trường hợp thiểu số, nếu có dịp chúng tôi sẽ debunk trong bài viết khác.

Alpha male là hình mẫu không tồn tại trong xã hội
Alpha male là hình mẫu không tồn tại trong xã hội

Alpha male là hình mẫu không tồn tại trong xã hội

Hình mẫu alpha male về cơ bản là không thể tồn tại trong xã hội con người vì hai lí do:

Thứ nhất, xã hội chúng ta quá lớn và chuyên biệt hoá

Chẳng hạn xã hội loài tinh tinh, chúng thường có vài chục cá thể mỗi đàn, các kĩ năng mà chúng có chỉ trong phạm vi đánh nhau, giúp đỡ nhau, tìm đồ ăn, một con tinh tinh alpha có thể giỏi nhất trong cả 3 kĩ năng ấy với bầy đàn nhỏ bé của nó. Nhưng xã hội loài người lên đến cả triệu và mức độ chuyên biệt hoá cao đến nỗi không một ai có thể là người giỏi nhất trong tất cả. Vậy thì điều tất yếu là một alpha của nhóm này có thể là beta (chính xác hơn là omega) của hàng trăm nhóm khác (thuộc lĩnh vực khác), trong cùng một ngày.

Thứ hai, vì tính chuyên biệt hoá cao nên sinh ra nhiều cá nhân là chuyên gia

Cuộc sống của những người này không còn phải bó hẹp quanh những suy nghĩ làm sao để ăn càng đầy bụng càng tốt, hay làm sao để giao phối với càng nhiều bạn tình càng tốt. Họ là những nhà khoa học, nhà tư tưởng và đôi khi nhu cầu trong cuộc sống của họ chỉ là được thoải mái làm việc một mình trong điều kiện sống đủ hỗ trợ cho công việc.

Những ngộ nhận cố hữu của tư tưởng alpha-beta là nó đóng khuôn con người và mối quan hệ vào tư duy nhị nguyên, nó tầm thường hoá con người bằng cách mặc định cá thể người nào cũng khát khao những nhu cầu hoang dã, nó đơn giản hoá xã hội loài người ngang bằng xã hội các loài vật mà ở đó, và chỉ ở đó, thì hình mẫu alpha mới có hiệu quả. Hoặc cũng có thể không phải ngộ nhận, nếu như hình mẫu này được vận hành một cách có chủ ý từ một số nhóm người nhằm thoả mãn ý đồ riêng.

********************

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button